Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật

Đình Hiệp| 14/06/2022 17:57

(HNMO) - Chiều 14-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm bảo đảm sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật.

Cần cơ chế xử lý, xác minh tin báo tố giác về bạo lực gia đình

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, điều 4 dự thảo Luật quy định các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Hành vi bạo lực về thể chất; bạo lực về tinh thần; bạo lực về kinh tế; bạo lực tình dục. Đại biểu cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất, phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau nên về nguyên tắc, để phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. Đại biểu chỉ rõ, cơ chế xử lý, xác minh tin báo tố giác về bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp với tất cả hành vi.

 Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, nếu có hành vi bạo lực thì sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác điều chỉnh.

Về khái niệm bạo lực trên cơ sở giới, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, thuật ngữ bạo lực gia đình trên cơ sở giới dựa trên cơ sở thuật ngữ bạo lực gia đình, chỉ đơn giản dựa trên giới tính. Do đó, khi giải thích, dự thảo không nên đưa ra một thuật ngữ mới khác với nội hàm của bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.

 Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Góp ý vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, dự thảo Luật đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình.

Do vậy, đại biểu đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ. Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tranh luận, với 17 quy định cấm bạo lực thì cần rà soát lại cụ thể, rõ ràng, tránh những bất cập trong ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc lập cơ sở tạm giữ người bạo lực gia đình là không khả thi, không hợp lý, nếu không thực hiện khéo, có thể dẫn đến vi phạm quyền con người. 

Ngoài ra, Điều 56 của dự thảo Luật quy định, hằng năm, chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng, quy định này là không khả thi, không cần thiết, gây bất cập trong việc áp dụng luật vào thực tiễn.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tranh luận.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong nhiều trường hợp, bản thân người bị bạo lực thậm chí còn chịu đựng bạo lực, không muốn tố giác hành vi đó vì nhiều lý do. Theo đại biểu, việc quy định về góp ý, phê bình còn cần bảo đảm quyền và bí mật đời tư của người bị bạo lực, và chỉ nên thực hiện khi có sự đồng ý của người bị bạo lực. Vì vậy, Ban soạn thảo nên quy định rõ phạm vi, tính chất của hoạt động góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư để bảo đảm tính khả thi.

Chú trọng phát huy truyền thống văn hóa của gia đình

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, liên quan đến nhiều vấn đề được điều chỉnh bởi các luật khác. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa bảo đảm hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tiếp thu, giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời đó là một cơ sở chính trị để cho đại biểu nghiên cứu, nhưng cũng còn các cơ sở pháp lý khác rất quan trọng về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nên không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác, mà phải kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng, chống bạo lực gia đình, giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

“Về những vấn đề chung, các đại biểu tiếp tục làm rõ hơn thực trạng về công tác phòng, chống bạo lực trong thời gian qua, nêu lên những mong muốn, tranh luận để làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đang còn có ý kiến khác nhau. Chính những mong muốn, những trăn trở này đang đòi hỏi độ khó cho cơ quan soạn thảo khi chúng ta cố gắng khu trú lại thành các điều luật trong bộ luật mà Quốc hội trong kỳ họp tới sẽ phải xem xét để ban hành” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là dự án luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu quan tâm nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.