(HNM) - Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã bày tỏ ủng hộ quan điểm về sở hữu đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vì phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, xã hội nước ta. Tuy nhiên, các ý kiến mong muốn làm rõ một số khái niệm, nội hàm liên quan để tránh tình trạng thu hồi đất xâm phạm quyền tài sản chính đáng của người dân đối với đất đai.
Sở hữu đất đai không phải câu chuyện "bắt chước"
PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến (giảng viên ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, lựa chọn hình thức sở hữu đất đai khi góp ý sửa đổi Hiến pháp không phải là chuyện "bắt chước" nước khác, mà cần căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Ông nhấn mạnh, không có hình thức sở hữu nào ưu điểm tuyệt đối hoặc nhược điểm tuyệt đối. Ngay ở các nước chọn hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì vẫn có vai trò của Nhà nước quản lý, điều tiết (hạn chế quyền sở hữu của tư nhân). Đối với Việt Nam, chọn chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng quyền sử dụng đất của người dân vẫn có tương đồng lớn so với sở hữu tư nhân. Cụ thể, hiện nay, người sử dụng đất ở nước ta có khoảng 13 quyền như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, được bồi thường, được lựa chọn hình thức sử dụng đất… Đề cập đến việc nhiều ý kiến đổ lỗi cho những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay là có nguồn gốc sở hữu, PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến quả quyết: Bản thân hình thức sở hữu không phải "đôi đũa thần kỳ" có thể thay đổi tất cả. Thay đổi hình thức sở hữu không thể thay đổi những khuyết tật, bất cập liên quan.
Một giảng viên khác của ĐH Luật Hà Nội là PGS, TS Nguyễn Minh Đoan, Phó Trưởng khoa Hành chính - Nhà nước cũng ủng hộ quan điểm này. Ông phân tích: Việt Nam đã xác định mô hình đi lên chủ nghĩa xã hội. Một chế độ sở hữu đất đai toàn dân như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu này.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đưa ra 5 lý do lựa chọn hình thức sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Trong đó, lý do thứ nhất là nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn địa tô. Đây cũng là hình thức xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai bóc lột người sử dụng đất. Các lý do khác là nhằm ghi nhận thành quả cách mạng của các thế hệ người Việt Nam; đất đai là điều kiện vật chất bảo đảm việc làm, ổn định đời sống nông dân; quyền sử dụng đất gần như quyền chủ sở hữu. Đặc biệt, theo ông, quy định hình thức sở hữu như Dự thảo còn giúp giữ được ổn định quan hệ đất đai, ngăn ngừa xung đột, phức tạp về mặt xã hội, lịch sử có thể nảy sinh nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai.
Khắc phục các vấn đề bất cập
Song song với sự đồng tình về hình thức sở hữu đất đai quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các chuyên gia đề nghị phải làm rõ hơn các quy định, nhằm bảo đảm quyền sử dụng đất của người dân cũng như tránh việc lạm dụng quyền thu hồi đất của các cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong dân.
Luật sư Lê Anh Văn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để tránh quy định về sở hữu toàn dân không bị hiểu sai lệch, thậm chí lạm dụng trong thực tế, cần làm rõ hơn về khái niệm này trong Dự thảo. Đây cũng là suy nghĩ của PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến. Theo ông, khái niệm "sở hữu toàn dân" hiểu như hiện nay là quá rộng, chung chung. Trong khi đó, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) phân tích: Quy định 3 cấp chính quyền có thể thực hiện việc thu hồi đất gồm TƯ, tỉnh và huyện, thậm chí nhiều trường hợp cả cấp xã cũng thực hiện được việc thu hồi đất như hiện nay là rất đáng lo ngại. Vì đây là cách hành chính hóa luật khiến việc quản lý trở nên rối rắm.
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm "cần thiết" trong quy định "trưng mua, trưng dụng có bồi thường" tại khoản 3 Điều 56. Ý kiến khác cho rằng, nên rút gọn lĩnh vực thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, bỏ thu hồi đất vì mục đích chung chung là phát triển kinh tế-xã hội. Vì nếu quy định như khoản 3 Điều 58 trong Dự thảo thì có thể thu hồi đất ở tất cả các loại dự án. Như vậy, quyền sử dụng đất của người dân được bảo đảm như quyền tài sản không có nhiều ý nghĩa.
Luật sư Trần Vũ Vương (Đoàn Luật sư Hà Nội) đề nghị sửa lại khoản 3 Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thành: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng và có bồi thường trong trường hợp đất được thu hồi phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ công trình giao thông, công trình công cộng; thu hồi đất phục vụ mục đích khác được thực hiện sau khi có thỏa thuận bồi thường giữa các bên liên quan. Thẩm quyền thu hồi đất và phương thức bồi thường theo quy định của pháp luật". Trong khi đó, TS Đặng Vũ Huân (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp) đề nghị bỏ hẳn khoản 3 Điều 58 vì có như thế mới thể hiện hết ý nghĩa của quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ". Ngoài ra, còn vì khoản 3 Điều 56 đã quy định: "Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường". Ông cho rằng như thế là đầy đủ, vì "trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường" cũng có nghĩa là thu hồi đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.