Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân

Võ Lâm| 30/04/2014 06:31

(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về



Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa nhằm bảo đảm quyền lợi chính trị của người lao động, chủ DN, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong khu vực này.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước sẽ bảo đảm quyền lợi chính trị cho người lao động. Ảnh: Trần Thanh


Tính đến tháng 2-2012, thời điểm Nghị quyết 09 được ban hành, toàn thành phố có 117.140 DN ngoài khu vực nhà nước đăng ký hoạt động. Trong đó có 82.996 DN đang hoạt động và nộp hơn 22.764 tỷ đồng tiền thuế, chiếm 34,4% tổng số tiền thuế nộp ngân sách của thành phố mỗi năm. Những con số này cho thấy vị trí, vai trò của DN ngoài khu vực nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô quan trọng nhường nào. Thế nhưng, tổ chức Đảng, chính trị - xã hội, đoàn thể trong loại hình DN này lại chưa phát triển tương xứng. Tính đến cuối năm 2011, trong các DN ngoài khu vực nhà nước, thành phố chỉ có 633 tổ chức Đảng, hầu hết là các tổ chức có sẵn do DN nhà nước cổ phần hóa. Trong khi đó, số tổ chức đoàn thể cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ: 2.301 tổ chức công đoàn, 653 cơ sở đoàn thanh niên - hội liên hiệp thanh niên, 132 tổ chức hội phụ nữ.

Với cách làm bài bản của Thành ủy Hà Nội, 100% quận, huyện, thị ủy đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc thực hiện Nghị quyết 09. Sau hơn hai năm thực hiện, số lượng tổ chức Đảng, số lượng các đoàn thể nhân dân được thành lập mới trong các DN ngoài khu vực nhà nước tăng nhanh. Toàn thành phố đã thành lập mới được 353 tổ chức Đảng, kết nạp mới gần 2.000 đảng viên, trong đó phần lớn là công nhân lao động trực tiếp trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Ngoài ra, trong thời gian này, các cấp ủy đã chỉ đạo thành lập mới được 667 tổ chức công đoàn, gần 200 tổ chức đoàn, hội thanh niên, trên 100 tổ chức hội phụ nữ; kết nạp mới 1.964 đảng viên, 74.000 đoàn viên công đoàn, hơn 2.000 hội viên phụ nữ và hơn 8.000 đoàn viên, thanh niên. Đây thực sự là những con số ấn tượng cho thấy, Nghị quyết 09 là một chủ trương đúng đắn, đi vào cuộc sống hiệu quả.

Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban chấp hành TƯ Đảng (khóa X) ngày 28-1-2008 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" nêu rõ: "Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội". Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, trình độ nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu về trình độ phát triển của nền kinh tế, công nghệ và toàn cầu hóa...

Tình hình trên cho thấy rằng, nhiệm vụ và yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân trong tình hình mới đặt ra hết sức cấp thiết. Trong đó, giải pháp hàng đầu là làm sao để phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong đội ngũ công nhân. Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội chính là một việc làm cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm khi nhận xét về Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội đã nói: "Kết quả thực hiện Nghị quyết 09 đã mang lại nhiều bài học quý, kinh nghiệm hay để nhân rộng ra toàn quốc".

Mặc dù vậy, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 của thành phố khẳng định, các cấp ủy Đảng phải tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa. Vì dù thành lập được thêm nhiều tổ chức, kết nạp thêm nhiều đảng viên, nhưng tỷ lệ tổ chức Đảng so với số DN ngoài khu vực nhà nước tại Hà Nội mới đạt 1%; tỷ lệ đảng viên so với công nhân trong DN ngoài khu vực nhà nước mới đạt 2%. Con số này đặt ra yêu cầu đối với các cấp ủy Đảng cần phải nỗ lực hơn nữa để vừa bảo đảm chất lượng, vừa tăng số lượng các tổ chức Đảng, đảng viên trong DN ngoài khu vực nhà nước.

Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU Tưởng Phi Chiến nhiều lần khẳng định, mục đích cuối cùng của Nghị quyết 09 không nằm ngoài trách nhiệm bảo đảm cho DN nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung duy trì ổn định và phát triển. Hiện nay, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 ở các địa phương, cấp ủy trực thuộc Thành ủy đang nỗ lực khắc phục hạn chế, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp theo hướng này. Biện pháp hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở tập trung mọi biện pháp nhằm giúp các DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đây chính là những cơ sở để tin rằng, Nghị quyết 09 sẽ tiếp tục được các DN ngoài khu vực nhà nước đón nhận và sẽ giúp bảo đảm được quyền lợi chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh trong khu vực kinh tế có vai trò, vị trí quan trọng này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.