(HNM) - Tại Việt Nam, khái niệm về phúc lợi động vật hoang dã còn khá mới đối với nhiều người. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã chú trọng và thực hiện tốt vấn đề này.
Chăm sóc gấu tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. |
Trong bối cảnh việc bảo tồn, chăm nuôi, đưa động vật hoang dã về sống trong môi trường tự nhiên sẽ là bước thúc đẩy đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Thực tế, có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về phúc lợi động vật đối với cả 3 nhóm động vật là: Vật nuôi trong nhà, động vật nông nghiệp và động vật hoang dã. Một số loài trong 3 nhóm động vật nêu trên chưa được bảo đảm các nhu cầu tối thiểu để duy trì bản năng tự nhiên; quá trình giết mổ và vận chuyển chưa được kiểm soát.
Gần đây, Chính phủ Australia đã hạn chế xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam sau khi cảnh giết mổ bò tàn bạo trong các lò mổ bị một nhóm người bảo vệ động vật công bố. Theo điều tra của Tổ chức Animals Australia, chỉ có 2 trong 13 lò mổ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của Australia về phúc lợi động vật hoang dã.
Tuy nhiên, gần đây, việc bảo vệ động vật ở Việt Nam cũng có những chuyển biến đáng kể. Ngày càng có nhiều tổ chức cứu trợ động vật trong nước và quốc tế hoạt động; các chuyên đề, hội thảo bảo vệ động vật đã được tổ chức thường xuyên và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều lễ hội giết hại động vật dã man bị dư luận lên án, từ đó dấy lên phong trào bảo vệ động vật.
Nhìn ở góc độ luật pháp, đối với vật nuôi, quyền lợi của động vật đã được quan tâm, bằng chứng là lần đầu tiên, Luật Thú y số 79/2015/QH13 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) xuất hiện khái niệm "quyền lợi động vật" và quy định về phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật.
Cụ thể, Điều 21 của Luật Thú y quy định: "Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm: Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo đối với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng, thủy sản, vận chuyển, giết mổ, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học; tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của luật pháp".
Một trong những điểm mới của Luật Chăn nuôi 2018 được ban hành ngày 19-11-2018 và có hiệu lực từ năm 2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi cũng đề cập vấn đề "phúc lợi cho vật nuôi".
Trong Luật Chăn nuôi 2018 quy định: Để bảo đảm phúc lợi cho vật nuôi trong chăn nuôi, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có chuồng trại, không gian, diện tích chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; vật nuôi phải được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh, được phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y.
Trong giết mổ, cơ sở giết mổ phải có nơi nhốt vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ bảo đảm vệ sinh; vật nuôi phải được cung cấp đầy đủ nước uống; không bị đánh đập, hành hạ; hạn chế gây sợ hãi, căng thẳng, đau đớn cho vật nuôi; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ...
Như vậy, có thể thấy, việc đưa quy định về phúc lợi động vật hoang dã vào các văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp với hội nhập quốc tế và sự phát triển của một ngành chăn nuôi chuyên nghiệp, bền vững. Đây được xem là một bước tiến rõ nét cho thấy sự quan tâm đến sức khỏe, quyền lợi của động vật.
Không phải chờ tới các văn bản pháp luật, việc bảo đảm phúc lợi động vật hoang dã đã được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chú trọng từ nhiều năm nay. Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn, mặt bằng hạn chế, nhưng đơn vị nỗ lực xây dựng các khu chuồng nuôi theo thiết kế khoa học, tạo không gian sống gần gũi với môi trường cá thể động vật hoang dã. Ví như chuồng nuôi khỉ, vượn bố trí cao, thoáng, có các vị trí để khỉ có thể trèo leo, chạy nhảy.
Hay đối với nuôi gấu, cũng phải được thiết kế phù hợp với tập quán sinh hoạt hoang dã dù sống trong điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc; khi được điều trị hết bệnh, trở về môi trường tự nhiên sẽ sinh tồn, thích nghi...
"Để bảo đảm phúc lợi động vật, thái độ chăm sóc của nhân viên cũng cần được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhân viên không được ngược đãi, vô cảm với nỗi đau, bệnh tật của động vật; sự chu đáo, tận tình và trách nhiệm cũng là những vấn đề luôn được Trung tâm duy trì" - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.