(HNM) - Dự báo khu vực nội thành Hà Nội (phạm vi cấp nước do Công ty Nước sạch Hà Nội - NSHN, đảm nhận) có thể thiếu 60.000-70.000m3 nước/ngày - đêm do suy giảm giếng ngầm.
Nguy cơ thiếu nước sạch
Theo báo cáo mới nhất của Công ty NSHN vừa gửi UBND thành phố, dự báo tổng nhu cầu nước sạch của Hà Nội năm 2015 khoảng 700.000m3/ngày - đêm. Trong khi đó, năng lực sản xuất của đơn vị này chỉ khoảng 600.000m3, nếu cộng với 40.000m3/ngày-đêm từ hệ thống nước sông Đà bổ sung sang thì lượng nước thiếu hụt lên tới 60.000-70.000m3/ngày - đêm, tùy theo thời điểm sử dụng. Nguyên nhân đưa ra dự báo tình trạng thiếu hụt nước trong năm tới được căn cứ trên mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng 3-4%/năm do mở rộng mạng lưới cấp nước và tỷ lệ giếng ngầm khai thác suy thoái 1-2%/năm sau thời gian dài sử dụng.
Bể xử lý amoniắc trong nước tại Nhà máy nước Nam Dư. Ảnh: Khánh Nguyên |
Do thiếu nguồn cung nên dự báo nội thành Hà Nội vẫn còn nhiều điểm khó khăn về nước vào mùa nắng nóng, chủ yếu là điểm cốt nền cao, cuối nguồn. Theo Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Đống Đa Lê Anh Tuấn, về địa lý, hành chính quận Đống Đa là quận nội đô cũ, là khu vực trung tâm của Thủ đô nhưng về mạng cấp nước thì thuộc dạng "vùng sâu, vùng xa". Có nghĩa, các quận xung quanh như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai đủ nước dùng rồi thì mới đến lượt Đống Đa nên việc khan hiếm nước vào mùa hè luôn nóng bỏng. Tương tự là một số điểm cuối nguồn tại khu vực quận Cầu Giấy. Còn với hệ thống nước sông Đà (phạm vi quận Thanh Xuân và một số quận xung quanh), mặc dù lượng nước cấp vào mùa hè tăng nhưng áp suất không bảo đảm do nguy cơ vỡ đường ống nên những điểm cuối nguồn cũng không có nước. Thực tế hè 2014, khu vực này có thể rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Một vấn đề nữa là tỷ lệ thất thu - thất thoát nước sạch khá cao, khoảng 25%. So sánh đơn giản, với tổng công suất 900.000m3 nước/ngày - đêm, trong đó 25% thất thu - thất thoát có nghĩa lượng nước mất đi lên tới hơn 220.000m3/ngày - đêm. Và nếu chỉ cần giảm đi vài phần trăm tỷ lệ thất thu - thất thoát, lượng nước cấp cho hệ thống có thể bằng sản lượng của một nhà máy nước công suất vừa. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty NSHN, 30% lượng nước thất thoát là do kỹ thuật, chủ yếu trên mạng dịch vụ cũ, còn lại thất thoát thương mại, nước sử dụng không thu được tiền, đường ống bị đấu trái phép… Vì vậy, giảm tỷ lệ thất thu - thất thoát cần nguồn vốn đầu tư cải tạo mạng đường ống. Những ô được cải tạo, tỷ lệ nước thu được tiền chỉ ở mức hơn 85%, còn khu vực đầu tư mới hoàn toàn tỷ lệ thu luôn đạt từ 90% đến 93%.
Cấp thiết đầu tư hệ thống nước mặt
Mới đây, Công ty NSHN đã báo cáo lãnh đạo UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất đầu tư Nhà máy nước sông Hồng, công suất 300.000m3/ngày - đêm, trong đó, giai đoạn đến năm 2018 công suất 150.000m3/ngày - đêm. Tổng mức đầu tư nhà máy này và mạng truyền tải khoảng 4.818 tỷ đồng, tương đương 227 triệu USD, trong đó phần nhà máy 3.854 tỷ đồng, tương đương 182 triệu USD. Công ty NSHN cho biết, theo nội dung thỏa thuận với Ngân hàng BIDV, vốn vay thương mại chiếm 70% tổng mức đầu tư. Về chủ đầu tư, phương án 1 do Công ty NSHN quản lý, thực hiện; phương án 2 công ty cùng các nhà đầu tư khác thành lập doanh nghiệp huy động vốn thực hiện. Phân tích sơ bộ giá thành sản xuất tại nhà máy là 4.346 đồng/m3, giá thành tính đến mạng truyền tải là 6.430 đồng/m3. Giá bán trung bình 7.073 đồng/m3. Đặc biệt, với công suất đến năm 2018, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, với tổng mức đầu tư lớn như dự án Nhà máy nước sông Hồng cần phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy, tập thể UBND thành phố, tuy nhiên với tính cấp thiết bảo đảm cung ứng nước sạch cho nhân dân Thủ đô, Sở Kế hoạch - Đầu tư cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục trình thành phố xem xét và giao Công ty NSHN làm chủ đầu tư. Đối với hệ thống nước sông Đà, ông Hùng yêu cầu Tổng Công ty cổ phần Vinaconex chủ động triển khai giai đoạn II, nâng công suất nhà máy lên 600.000m3/ngày - đêm; trong đó phần ống truyền tải số 2 khởi công đúng thời hạn cam kết, bảo đảm nâng công suất cấp nước ổn định cho thành phố 280.000m3/ngày - đêm trước ngày 30-4-2015. Trường hợp trong tháng 12-2014, Vinaconex chưa triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, đề xuất đơn vị thay thế, báo cáo UBND thành phố quyết định.
Với các dự án nguồn khác, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đồng ý chủ trương đề xuất bổ sung nguồn nước mặt sông Hồng cho Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì để bảo đảm công suất 50.000m3/ngày - đêm; khoan bổ sung giếng và xây dựng hệ thống xử lý công suất 10.000m3/ngày - đêm tại Đông Mỹ (Thanh Trì) bằng nguồn vốn do Công ty NSHN thu xếp. Ông Hùng lưu ý, tạm dừng các dự án phát triển mạng nếu chưa bảo đảm được nguồn, đồng thời nhanh chóng giảm tỷ lệ thất thu - thất thoát. Chỉ với vài phần trăm mà công suất nước bằng cả một nhà máy thì đây là cách đầu tư hiệu quả.
Bãi giếng của Nhà máy nước Nam Dư (quận Hoàng Mai) hoạt động từ năm 2004 đến nay đã giảm tới 50% công suất. Mặc dù đã khoan thay thế, bổ sung nhưng sản lượng nước hiện chỉ duy trì ở mức 50.000m3/ngày - đêm, thấp hơn thiết kế. Chưa kể tình trạng chất lượng nước ngầm không ổn định, các chỉ tiêu lý - hóa, nhất là asen và amôniắc lúc đạt yêu cầu, lúc vượt ngưỡng cho phép. Biến động này vẫn tiếp tục diễn biến theo hướng chất lượng nước ngầm kém dần... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.