(HNM) - Tăng trưởng tín dụng cao, xử lý triệt để nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã có kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng năm 2019. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đạt lợi nhuận tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngân hàng thương mại dẫn đầu hệ thống có kết quả kinh doanh cao đến thời điểm này là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, với 17.592 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lũy kế 9 tháng 2019 tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2018, dự báo ngân hàng có khả năng sẽ vượt qua mốc lợi nhuận 20.000 tỷ đồng cho cả năm 2019.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng có mức lợi nhuận tăng hơn 50% so với năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 3.400 tỷ đồng, với hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) là 1,7%, sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 20,2%.
Theo ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, đây là mức lợi nhuận khá cao của HDBank. Nhờ đó, tính đến hết tháng 9-2019, tổng tài sản của ngân hàng vượt 217 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động hơn 193 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của HDBank chỉ còn 1,1% trên tổng dư nợ.
Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lợi nhuận trước thuế đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết: "Ngân hàng đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu vào - đầu ra, cũng như phát huy lợi thế mạng lưới rộng khắp trên cả nước để phát triển bán lẻ. Thu thuần dịch vụ, hoạt động ngoại hối tiếp tục có những chuyển biến tích cực, cao hơn 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối năm 2019, thu thuần dịch vụ đạt mức cao nhất trong 11 năm hoạt động của ngân hàng".
Những ngân hàng khác cũng tự tin công bố kết quả kinh doanh trong nhóm cao như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 7.199 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 2.260 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) 865 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) 683 tỷ đồng…
Kết quả tăng trưởng tốt trong 9 tháng năm 2019 của các tổ chức tín dụng đã xóa tan lo lắng về nguy cơ giảm tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong bối cảnh “room” tín dụng ở nhiều tổ chức gần như hết, cộng với chi phí vốn tăng cao.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, 9 tháng năm 2019, hệ thống ngân hàng ổn định, ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Những tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu…
Báo cáo tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống.
Với những nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng, tăng trưởng GDP của cả nước tăng mạnh, với mức 6,98% trong 9 tháng, mức tăng cao nhất cùng kỳ 9 năm trở lại đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.