(HNM) - Bộ luật Hình sự đang được Bộ Tư pháp sửa đổi trong bối cảnh tội phạm chưa thành niên gia tăng, ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ tái phạm cao.
Theo Bộ Tư pháp, thực tế này đặt ra yêu cầu xem xét lại cách thức xử lý người chưa thành niên phạm tội ở nước ta. Trong quá trình bàn thảo, không ít nhà lập pháp tán thành chủ trương: Áp dụng hình phạt giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng; có thể dùng hình thức phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể, khi các em có tài sản riêng. Hình phạt tù có thời hạn - hình phạt được xem là nghiêm khắc nhất đối với người chưa thành niên khi việc áp dụng các chế tài khác nhẹ hơn tỏ ra không hiệu quả và không bảo đảm sự an toàn của cộng đồng. Còn như hiện nay, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tù có thời hạn, mà ít có cơ hội được áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ.
Như vậy có thể thấy, đang có sự chuyển hướng về quan điểm xử lý tội phạm vị thành niên, đó là: Khuyến khích cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý người chưa thành niên vốn đang ở giai đoạn chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, vi phạm pháp luật mà không cần viện đến các thủ tục tư pháp, hạn chế xuống mức thấp nhất việc xử lý chính thức. Việc này phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em. Thế nhưng, giữa mục tiêu và cách làm là khoảng cách lớn. Nếu chỉ ghi định hướng trên mà không bổ sung vào các văn bản liên quan quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế theo hướng nêu rõ khi xét xử, tòa án áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần ưu tiên các hình thức giáo dục, hạn chế áp dụng hình phạt tù, điều kiện áp dụng, thời hạn áp dụng kèm theo thì thẩm phán khó có thể vận dụng.
Tuy nhiên, riêng đối với tội phạm vị thành niên có hành vi phạm tội nghiêm trọng, dã man, gây chấn động dư luận như cố tình gây chết người; cùng lúc phạm nhiều tội danh như: giết người, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm… nhiều ý kiến lại cho rằng: Cần nâng mức xử phạt so với hiện hành, có thể áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình mới đạt mục tiêu răn đe, phòng chống tội phạm, hạn chế lách luật. Cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cần lưu tâm, giải quyết thấu đáo để bảo đảm cùng lúc hai mục tiêu: Giáo dục và phòng ngừa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.