Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân

Thành Tâm| 07/06/2018 07:10

(HNM) - Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng chính quyền “kiến tạo và phục vụ” chính là nâng cao chất lượng đời sống, tạo điều kiện để các hộ dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây các vấn đề liên quan đến dân sinh chưa thực sự được quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa đúng mức. Những yếu tố cơ bản phục vụ nhu cầu dân sinh như, nước sạch, khám chữa bệnh, học tập còn thiếu. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã được kéo giảm nhưng chưa bền vững...

Để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân phải triển khai sớm, quyết liệt và bài bản những chương trình rất cụ thể. Từ quan điểm đó, TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai một khối lượng công việc lớn, có ý nghĩa thiết thực. Đầu tiên phải kể đến mục tiêu là đến năm 2020, người dân toàn thành phố được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn “uống được tại vòi”.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến hết năm 2017, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cấp nước cho 155 xã (1,4 triệu người), hoàn thành 12 dự án cấp nước cho 26 xã, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nước sạch cho gần 50% hộ dân khu vực nông thôn.

Dự kiến hết năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng mạng lưới cấp nước đồng bộ với các dự án phát triển nguồn tập trung, nâng tỷ lệ khu vực nông thôn được cấp nước sạch lên 55%, phấn đấu đến năm 2019 là 80% và năm 2020 đạt 100%.

Về lĩnh vực môi trường, từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (tháng 11-2015) đến nay, thành phố phê duyệt hơn 1.100 báo cáo đánh giá tác động môi trường và 520 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản...

Nhiều hạng mục đã được thực hiện như: Đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại 300 cơ sở hoạt động tại 8 khu công nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm theo từng ngành nghề. Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường được đổi mới theo hướng cơ giới hóa, sử dụng xe cơ giới thu gom rác tại 80% tuyến phố nội thành, 30% tại các huyện.

“Thành phố luôn quan tâm đến các công trình nhà vệ sinh công cộng với nhiều công trình được xây mới và duy trì quản lý tốt. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây mới và cải tạo bổ sung các công trình vệ sinh xuống cấp” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho hay.

Để xóa nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2017, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 4,85% cuối năm 2015 xuống 3,12% vào cuối năm 2017, sớm đạt mục tiêu dưới 4% đề ra cho giai đoạn 2016-2020.

Hà Nội cũng được đánh giá là địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, qua đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,64% đầu năm 2016 xuống còn 1,69% vào cuối năm 2017. Hiện nay, các sở, ngành đang tích cực triển khai hỗ trợ nhà ở cho hơn 4.800 hộ nghèo, phấn đấu hoàn thành trước ngày 17-10-2018.

Những kết quả trên thể hiện quyết tâm rất lớn của Hà Nội trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn. Điều đó cũng khẳng định quan điểm của lãnh đạo thành phố, như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Việc phát triển kinh tế - xã hội phải đem đến những điều kiện sống và khả năng phát triển tốt hơn cho người dân, từ đó mới có nền tảng phát triển bền vững".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.