(HNM) - 2017 là năm ngành Lao động, thương binh và xã hội quyết liệt, giải quyết căn bản những vướng mắc các hồ sơ người có công tồn đọng. Để hiện thực hóa chủ trương này, ngành đã có giải pháp tích cực, cách triển khai khoa học, bài bản, bảo đảm những chính sách đãi ngộ đến được với người xứng đáng.
Còn nhiều khó khăn...
Không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hàng nghìn người có công (NCC) trên cả nước vẫn chưa tiếp cận được với chính sách ưu đãi, thụ hưởng chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Hầu hết đây là các hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương bệnh binh, người bị địch bắt tù đày... Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, toàn quốc hiện có khoảng 8,8 triệu NCC với 11 nhóm đối tượng và mới có hơn 1,4 triệu NCC, thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Hiện tại, vẫn còn gần 30 nghìn hồ sơ NCC đề nghị xét duyệt nhưng chưa được giải quyết, trong đó có hơn 7 nghìn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 13 nghìn hồ sơ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… cùng hàng vạn hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang chờ xác minh, xử lý.
Chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công TP Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong khi hàng vạn NCC chưa được hưởng ưu đãi, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, lại có hàng nghìn đối tượng đang hưởng lợi bất minh từ chính sách này. Thông tin từ Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có 0,09% số người đang hưởng sai hàng trăm tỷ đồng từ chính sách nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước.
Kết quả thanh tra tại 5 quân khu, 29 địa phương với hơn 60 nghìn hồ sơ có đơn thư cũng phát hiện tới 12 nghìn hồ sơ có sai sót; 1,8 nghìn hồ sơ giả mạo, không có cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi... Riêng tại Hà Nội, trong tổng số 145.823 hồ sơ được thực hiện rà soát đã có 64 trường hợp hưởng chế độ ưu đãi chưa đầy đủ; 49 trường hợp hưởng sai ưu đãi, trong đó 5 trường hợp đã được thực hiện sửa lại đúng tên, loại trợ cấp, 11 trường hợp được điều chỉnh đúng với trợ cấp tiền tuất cơ bản của liệt sĩ, 31 trường hợp bị dừng, thu hồi gần 1,4 tỷ đồng tiền trợ cấp sai...
Phó Cục trưởng Cục NCC, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Duy Kiên cho rằng, hệ lụy của tình trạng giả dối này không chỉ nằm ở khoản tiền trợ cấp chi sai đối tượng, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ..., mà còn gây mất công bằng trong xã hội, khiến NCC và thân nhân NCC chịu thiệt thòi cũng như làm giảm tính hiệu quả từ chủ trương, chính sách có ý nghĩa đặc biệt này.
Công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân
Để công tác chăm sóc NCC phát huy hiệu quả, ngành LĐ-TB&XH đã chọn năm 2017 là năm căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng. Cụ thể là hơn 5 nghìn hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng (được lập từ trước tháng 7-2013, còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách, chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý) sẽ được giải quyết. Từ đây, tiến tới mở rộng diện giải quyết chế độ cho các đối tượng NCC là thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học, con nhiễm chất độc hóa học… Những tỉnh, thành phố còn nhiều hồ sơ tồn đọng gồm: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thái Bình, Bắc Kạn… Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành liên quan soạn thảo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC cũng như thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với 86 hồ sơ NCC được xác minh, giải quyết.
Từ kết quả này, ngành LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương tổng rà soát, báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng, đồng thời chính thức ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, thành lập tổ liên ngành, trực tiếp đến từng địa phương xem xét, hướng dẫn thực hiện các bước theo quy trình phân loại, giải quyết hồ sơ tồn đọng từ trung ương tới địa phương, bảo đảm yêu cầu minh bạch, chính xác. Trong quy trình giải quyết ghi rõ: Các tỉnh, thành phố có từ 50 hồ sơ tồn đọng trở lên thì chọn một số địa phương cấp huyện chỉ đạo điểm, trước khi triển khai rộng. Đối với những tỉnh, thành phố có từ 10 đến 15 hồ sơ thì tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố; địa phương có dưới 10 hồ sơ, cần chủ động triển khai theo kế hoạch, báo cáo với Tổ công tác liên ngành và Cục NCC để thẩm định kết quả.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: "Ngành LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về công tác bảo đảm quyền lợi cho NCC. Nhiệm vụ này cần thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, không để dây dưa, kéo dài". Để khắc phục tình trạng giả mạo hồ sơ NCC, ngăn chặn hiện tượng trục lợi từ chính sách, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Người thực thi công tác NCC cần công khai, minh bạch, lấy ý kiến từ nhân dân, từ chi bộ, các đoàn thể, MTTQ…, coi trọng sự tham gia của các lão thành cách mạng trong quá trình giám sát hồ sơ”.
Cùng với việc tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi NCC..., Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra công tác NCC để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi trục lợi. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, kết quả thực hiện chính sách ưu đãi NCC tại địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin rõ các chế độ, chính sách được thụ hưởng của từng nhóm đối tượng; đồng thời, tiếp nhận phản ánh từ nhân dân về các đối tượng hưởng sai, bảo đảm chính sách ưu đãi đến được với đối tượng xứng đáng, phát huy tinh thần đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.