Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhằm kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hiện trên địa bàn thành phố có 13.474 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đều nhỏ lẻ, hoạt động trong khu dân cư, thậm chí kinh doanh theo mùa vụ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế, đã tác động trực tiếp đến việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị của Sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 50 tổ chức, 3 cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp; phát hiện 9 cơ sở vi phạm và xử phạt với số tiền 140,5 triệu đồng các lỗi vi phạm chủ yếu: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang, gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để hạn chế các trường hợp vi phạm và quản lý chặt chẽ các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, trong thời gian tới, huyện sẽ đa dạng các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động người dân không bán và không mua các nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cùng với đó, huyện Thường Tín tăng cường công tác quản lý cơ sở; tiếp tục rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; xây dựng và triển khai phần mềm quản lý dữ liệu về an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, chú trọng xây dựng và triển khai kế hoạch hậu kiểm theo tháng, quý nhằm kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm lưu thông ra thị trường...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng để phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Theo ông Hà Tiến Nghi, lực lượng chức năng cũng luôn bảo đảm chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Đối với những cơ sở vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không mua, sử dụng sản phẩm của những cơ sở đó.
Về lâu dài, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng đề nghị, các địa phương cần khuyến khích các cơ sở chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng chuỗi liên kết, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.