Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú

Thanh Tàu| 26/09/2022 07:28

(HNM) - Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã qua gần một tháng tổ chức dạy và học. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú vừa giúp trẻ có sức khỏe tốt, vừa để các bậc phụ huynh yên tâm cho con em đến trường.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh có 1.030 học sinh. Trong đó, 929 em đăng ký tham gia bán trú. Thầy Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi yêu cầu công ty cung ứng bữa ăn trưa lựa chọn đăng ký nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, đơn vị cung cấp phải bảo đảm an toàn vệ sinh và tổ chức lưu mẫu, bảo quản sau khi chế biến thức ăn theo quy định”.

Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Lý Thánh Tông, quận 8 có đến 1.036 học sinh học bán trú. Cô Đoàn Kim Chi, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để tổ chức bữa ăn bán trú an toàn, quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm. Hằng ngày, bộ phận y tế của nhà trường kiểm tra sát sao chất lượng bữa ăn. Nhà trường cũng thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu, từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho học sinh…

Chị Trần Thị Ngọc Lan, ngụ quận 8, hiện có con đang học lớp 6-1, Trường Trung học cơ sở Lý Thánh Tông cho hay, đại diện Ban phụ huynh có thể đến kiểm tra bếp ăn bán trú, công tác nhập thực phẩm, hóa đơn bất cứ lúc nào; yêu cầu nhà trường xử lý các vấn đề tồn đọng nếu có. Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm đưa thực đơn lên nhóm của lớp; mỗi bữa ăn của học sinh đều có hình ảnh để phụ huynh kiểm soát nên rất yên tâm.

Trong khi đó, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu, quận 3 có 500 học sinh đăng ký bán trú. Khu vực học sinh ăn trưa sạch sẽ, mát mẻ, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm. Công tác này cũng được triển khai nghiêm túc tại các trường mầm non trong thành phố.

Để bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn an toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh. Trước khi bước vào năm học mới, ngành Giáo dục thành phố đã phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm, phòng y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức lớp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học cho hơn 1.000 cán bộ.

Còn Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan thông tin, từ ngày 15-9-2022 đến ngày 31-10-2022, đơn vị kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, Ban kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức cán bộ quản lý trường học. "Chúng tôi nỗ lực cùng ngành Giáo dục và các bên có liên quan bảo đảm chất lượng vệ sinh, chất lượng dinh dưỡng các bữa ăn trong trường học, góp phần giữ sức khỏe cho học sinh để phụ huynh yên tâm", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.