Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thường trực… nhiều nỗi lo

Thu Trang| 30/10/2013 05:43

(HNM) - Ở tất cả các khâu, từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến cho tới bàn ăn… đều có những điều khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an.



Dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng song bức tranh chất lượng thực phẩm vẫn còn nhiều khoảng tối. Ở tất cả các khâu, từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến cho tới bàn ăn… đều có những điều khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an.

Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh. Ảnh: Bảo Lâm


Đụng đâu cũng thấy mất an toàn

Báo cáo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng của năm 2013 của Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Lê Đức Thọ cho thấy, qua việc thanh - kiểm tra 110 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý vi phạm đối với 44 cơ sở, tổng số tiền phạt gần 360 triệu đồng và có 7 cơ sở sản xuất đã bị đình chỉ hoạt động. Tiến hành kiểm tra 256 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ quan chức năng đã xử phạt 128 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 456 triệu đồng…

Việc thanh - kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành phố cho thấy, trong tổng số 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, có đến 50% cơ sở bị đánh giá là chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh, nhiều loại trong số thức ăn hằng ngày của người dân như rau, củ, quả, hải sản... nằm trong diện "cần kiểm soát". Khi kiểm tra đột xuất 16 cơ sở kinh doanh sản phẩm thủy sản, đồng thời lấy 30 mẫu thủy sản tại các chợ trên địa bàn thành phố để kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 4/30 mẫu cá có chất cấm, trong đó có 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm kháng sinh LeucoMalachite Green - loại không được phép sử dụng, 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh cấm AOZ. Việc xét nghiệm 233 mẫu rau, 32 mẫu quả, 60 mẫu chè và 18 mẫu rau ngót (trong đó có 10 mẫu được lấy tại vùng sản xuất, 8 mẫu được lấy tại chợ đầu mối) cũng cho kết quả đáng ngại: Có 3 mẫu rau, 1 mẫu quả và 2 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép.

Nguy cơ mất ATVSTP không chỉ có ở chợ, điểm dịch vụ ăn uống. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, nhiều trường học bán trú phải đáp ứng hàng nghìn suất ăn mỗi ngày, điều gì xảy ra khi các nhà trường không có đủ điều kiện để kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm trong bối cảnh khâu sản xuất, chế biến thực phẩm hiện còn rất nhiều vấn đề gây quan ngại?

Quản lý chồng chéo

Đánh giá công tác quản lý ATVSTP, có đại biểu cho rằng, không ở đâu thực phẩm lại được bày bán bừa bãi, mất vệ sinh như ở nước ta. Điều đáng nói là trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, công tác quản lý còn khá "lùng nhùng", có sự chồng chéo giữa các ngành chức năng liên quan và điều đó không chỉ gây khó cho nhà kinh doanh mà khi sai phạm xảy ra, quả bóng trách nhiệm dễ bị "đá qua, đá lại".

Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) Nguyễn Thị Quỳnh Vân cho rằng, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, nhóm ngành hàng như tinh bột, bánh kẹo, ô mai do ngành công thương quản lý, còn các loại nông sản như rau, củ quả lại do ngành nông nghiệp quản lý. Bởi thế mà có "chuyện lạ", như một doanh nghiệp vừa sản xuất miến gạo vừa sản xuất miến dong thì phải xin cấp hai giấy phép về ATVSTP, đơn giản vì miến gạo được sản xuất từ tinh bột, còn miến dong được chế biến từ củ dong riềng. Nơi sản xuất ô mai cũng gặp khó tương tự vì ô mai ngọt do ngành công thương chịu trách nhiệm, còn ô mai mặn lại do ngành nông nghiệp quản lý. Các siêu thị kinh doanh nhiều nhóm ngành hàng, cùng lúc có khi chịu sự quản lý của ba ngành, kết quả là họ phải mất rất nhiều thời gian để xin đủ ba giấy chứng nhận hợp quy, khi đó mới được cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP.

Theo Phó trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, tới đây cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ kiến nghị để liên bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành thông tư, phân công rõ trách nhiệm trong công tác quản lý ATVSTP. Trước mắt, để công tác quản lý ATVSTP tốt hơn, các ngành cần vào cuộc tích cực, có sự phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Ngành y tế Hà Nội sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát, tập trung cao điểm trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán tới đây.

Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau chưa sát sao

(HNM) - Ngày 29-10, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với tổ chức VECO Việt Nam tổ chức hội thảo "Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau: Từ hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối".

Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với sản phẩm rau tại 5 chợ bán buôn của Hà Nội là chợ Long Biên, Vân Nội, Dịch Vọng Hậu, Đền Lừ, Hôm Đức Viên, công tác quản lý ATTP chưa được thực hiện một cách sát sao.

Đào Huyền
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thường trực… nhiều nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.