Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc: Không thể thờ ơ!

Hà Hiền| 29/04/2018 07:06

(HNM) - Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28-4).

Cùng với chủ doanh nghiệp, người lao động cần có ý thức bảo đảm an toàn trong sản xuất. Ảnh: Thái Hiền


Hậu quả khôn lường

Sự thờ ơ, chủ quan, bất cẩn của người lao động tại nơi làm việc đã để lại những hậu quả khôn lường. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 6.400 người chết vì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 860.000 người bị thương khi làm việc.

Tại Việt Nam, số vụ tai nạn lao động đã giảm trong những năm gần đây nhưng việc bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc vẫn chưa được thực hiện tốt. Năm 2017, trên phạm vi cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị ảnh hưởng, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều ở những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, hầm mỏ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai...

Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tai nạn lao động chưa được cải thiện. Đáng lưu ý là số vụ tai nạn trong nhóm lao động trẻ cao hơn 40% so với nhóm lao động từ 25 tuổi trở lên. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu thông tin.

“Trong nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm cả nước mới có khoảng 6% số doanh nghiệp báo cáo về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, ông Lương Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động Việt Nam phản ánh.

Theo bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước có hàng chục triệu lao động đang làm việc nhưng trong năm 2017, số lao động được khám sức khỏe định kỳ mới đạt gần 2,2 triệu lượt người. Kết quả khám cho thấy, số lao động đạt sức khỏe loại I chỉ chiếm 24,1%; số người lao động đạt sức khỏe loại II và III là 68,4%, còn lại là sức khỏe loại IV và V. Người lao động ở nước ta đã mắc 30/34 loại bệnh nghề nghiệp, phổ biến là bệnh điếc do chịu tiếng ồn quá lớn trong thời gian dài, bệnh hen phế quản, nhiễm độc nicotin…

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp diễn biến phức tạp chủ yếu do lỗi của người sử dụng lao động (45,41%), do người lao động (20%).

“Hiện nay, người sử dụng lao động chưa quan tâm xây dựng quy trình làm việc an toàn; chưa tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thiếu thiết bị bảo đảm an toàn lao động hoặc không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Về phía người lao động, nhiều người cố tình không sử dụng các thiết bị bảo đảm an toàn hoặc vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định.

Vì một thế hệ lao động khỏe mạnh

Hiện nay, nước ta có hơn 54 triệu người tham gia lực lượng lao động xã hội. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, rõ ràng ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, người lao động cần có sức khỏe tốt, tinh thần tốt nhằm làm chủ máy móc, khoa học, công nghệ.

Để có một thế hệ lao động khỏe mạnh, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH trong việc quản lý, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cố tình “phớt lờ” quy định về an toàn, vệ sinh lao động, không đưa người lao động đi khám sức khỏe định kỳ cần được xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về mối nguy hiểm khi làm việc trong môi trường thiếu an toàn cần được tăng cường.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị các cơ quan chức năng giảm mức đóng phí thẩm định dịch vụ huấn luyện an toàn lao động; rút ngắn thời hạn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng chính sách nhằm bảo đảm an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp cho lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức. Tương tự, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã và đang chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.

Tin tưởng vào các giải pháp, chính sách nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc của Việt Nam, bà Miranda Kwong, Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến lao động trẻ, “nói không” với lao động trẻ em.

Bảo vệ người lao động, nhất là lao động trẻ trước nguy cơ tai nạn lao động, mắc các bệnh nghề nghiệp được coi là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, đã đến lúc vấn đề an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cần nhận được sự quan tâm đúng mức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc: Không thể thờ ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.