(HNMO) - Trong nhiệm kỳ 2015-2020, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song báo chí Thủ đô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng báo chí.
Trước thềm Đại hội lần thứ VII - Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Tô Quang Phán, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, về những đóng góp của Hội trong nhiệm kỳ qua và phương hướng nhiệm kỳ tới.
- Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của Hội?
- Năm năm qua là nhiệm kỳ đầy sôi động của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. Các liên chi hội, chi hội nhà báo và các cơ quan báo chí của thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền những sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô. Ngay sau khi Ban Chấp hành khóa VI ra mắt vào tháng 7-2015, Hội Nhà báo thành phố và liên chi hội, chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Thủ đô đã chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền tập trung cho Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đại hội lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp 2016-2021.
Các cơ quan báo chí Thủ đô đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân Thủ đô; tập trung nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô; tham gia tích cực các sự kiện, hoạt động góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, 8 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI đã được các cơ quan báo chí của Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyên truyền bài bản...
Hơn 1.000 hội viên, sinh hoạt tại 18 liên chi hội, chi hội các cơ quan báo chí, dù ở vị trí nào cũng luôn cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các hội viên nhà báo đã luôn ở tuyến đầu trong công tác tuyên truyền. Những nơi khó khăn nhất, gian khổ nhất đều có mặt các nhà báo để nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, định hướng dư luận, tuyên dương cái tốt, phê phán cái xấu, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng chống phá chế độ…
Trong 5 năm qua, nhiều tác phẩm của các hội viên nhà báo Thủ đô đã đạt giải cao tại Giải Báo chí quốc gia, các giải báo chí của bộ, ngành và giải báo chí do thành phố Hà Nội tổ chức. Những thành quả này xứng đáng được biểu dương và ghi nhận.
- Đó là những thành tựu trong hoạt động nghiệp vụ, còn những hoạt động khác thì sao, thưa ông?
- Phải nói rằng, nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nhà báo Thủ đô đã thực hiện rất nhiều việc giúp hoạt động của các Liên chi hội và chi hội nhà báo hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, thảo luận về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tổ chức các chuyến đi thực tế cho các hội viên... Cụ thể: Hội tạo điều kiện để các cán bộ, phóng viên dự đầy đủ các buổi học Nghị quyết của Đảng; tổ chức cho hội viên những chuyến đi thực tế viết bài tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo kết hợp với hoạt động “về nguồn”. Đây được xem là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác Hội trong nhiệm kỳ qua.
Ngoài các hoạt động thường niên, như tổ chức Hội báo Xuân, Giải báo chí Ngô Tất Tố, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội tập trung hội viên tham gia đông đảo, như: Hội thi tiếng hát người làm báo; Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam; Hội khỏe Nhà báo thành phố Hà Nội; các chuyến đi từ thiện tới vùng sâu, xa… Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, các hoàn cảnh khó khăn… rất hiệu quả. Trong 5 năm qua, số tiền từ thiện mà các cơ quan báo chí Hà Nội đã huy động, trao đến tay người có hoàn cảnh khó khăn lên đến cả chục tỷ đồng. Những hoạt động này đã góp phần làm nên bức tranh sôi nổi của hoạt động Hội trong nhiệm kỳ qua.
- Một trong những nhiệm vụ của Hội là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ này được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Hội Nhà báo là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, Hội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên hành nghề và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên trong hoạt động nghiệp vụ. Cùng với đó, các hành vi cản trở nhà báo, hội viên hoạt động đúng pháp luật, vi phạm Luật Báo chí đều được Hội lên tiếng bảo vệ. Trong nhiệm kỳ qua, dù cũng có một số trường hợp hội viên tác nghiệp bị gây khó, nhưng chưa có vụ việc nào quá mức, gây nguy hiểm đến các hội viên. Với những vụ việc này, Hội cũng đã tiến hành bảo vệ hội viên theo đúng quy định của pháp luật.
- Những thành tích của báo chí Thủ đô trong 5 năm qua đã khá rõ, còn những khó khăn, thách thức thì sao, thưa ông?
- Năm năm qua là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức của báo chí Thủ đô vì hầu hết các cơ quan báo chí đều giảm nguồn thu từ quảng cáo. Thế giới đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đây là cơ hội để các cơ quan báo chí chuyên nghiệp hóa hơn trong hoạt động nghiệp vụ nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức cho các cơ quan báo chí, người làm báo về sức ép cạnh tranh thông tin, nhất là khi mạng xã hội bùng nổ. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam, trong đó có các cơ quan báo chí của Hà Nội sụt giảm doanh thu quảng cáo nghiêm trọng, số lượng phát hành cũng giảm tương ứng…
Giảm nguồn thu quảng cáo, bên cạnh việc làm giảm thu nhập của những người làm báo, còn làm giảm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động báo chí hiện đại. Chưa kể, hiện nay, trước sự bùng nổ của thành tựu công nghệ, cùng theo đó là bùng nổ các mạng xã hội, làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin, hưởng thụ văn hóa theo hướng người dân có nhiều quyền, nhiều lựa chọn, nếu báo chí không đầu tư phương tiện kỹ thuật tác nghiệp và truyền tin hiện đại thì khó có thể cạnh tranh được.
- Cùng với báo chí cả nước, báo chí Thủ đô đang từng bước thực hiện sắp xếp, quy hoạch. Trong giai đoạn đầu sắp xếp sẽ gặp không ít khó khăn, Hội đã tham gia hỗ trợ cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Sắp xếp, quy hoạch báo chí là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, hướng tới xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Theo Quyết định số 18/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, triển khai và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025, hết năm 2020, Hà Nội sẽ có 9 cơ quan báo chí. Khi xây dựng đề án của thành phố, Hội Nhà báo đã tham gia ý kiến với tư cách là tổ chức chính trị - nghề nghiệp của các nhà báo. Việc sắp xếp tổ chức nhân sự tại các cơ quan báo chí do các cơ quan báo chí thực hiện để phù hợp với khung vị trí việc làm của đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, Hội luôn động viên hội viên, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm chủ trương này, đồng thời thực hiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hội viên…
- Trước thềm Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, ông mong muốn điều gì cho sự phát triển của Hội trong thời gian tới?
- Hội Nhà báo thành phố Hà Nội là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy. Hội Nhà báo Hà Nội luôn là “mái nhà chung” của hội viên nhà báo Thủ đô và sẽ luôn như vậy, để góp phần quan trọng vào hoạt động sôi nổi, tích cực của báo chí Hà Nội, xây dựng đội ngũ người làm báo “bút sắc, lòng trong”, có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có tư duy làm báo hiện đại, làm chủ được thiết bị công nghệ tiên tiến…
Tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống hơn 30 năm, cùng với các cơ quan báo chí Hà Nội sẽ khắc phục khó khăn, đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.