(HNMO) - Ngày 20-4, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành thành phố vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đây là hội nghị thứ hai (trong tổng số 7 hội nghị) được tổ chức tiếp sau thành công của hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố đã được Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận nhiều lần và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thảo luận, tham gia đóng góp, bổ sung nhiều ý kiến sâu sắc. Ban biên tập đã tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh và đến nay, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị (lần thứ tư). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành là những người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương, thành phố đối với từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể trên địa bàn, đồng thời cũng là những người chỉ đạo, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn để tham mưu, đề xuất với trung ương, thành phồ những giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. “Với vai trò, vị trí, trách nhiệm, tâm huyết và kinh nghiệm phong phú của mình, ý kiến đóng góp của lãnh đạo chủ chốt sở, ban, ngành của thành phố có ý nghĩa rất quan trọng để Báo cáo chính trị Đại hội XVI thực sự là kết tinh trí tuệ, ý chí và tình cảm của toàn Đảng bộ thành phố và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thể hiện những định hướng quan trọng, đúng đắn, thực sự khả thi, đi sâu vào đời sống xã hội, để xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới”- đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nói.
Trong một buổi sáng, với tinh thần làm việc tập trung trí tuệ, trách nhiệm, 15 ý kiến của lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố tại hội nghị này cơ bản thống nhất với bố cục, chủ đề đại hội. 7 nhóm vấn đề được các đại biểu đề cập, góp ý nhiều như chủ đề, kết cấu của dự thảo báo cáo, những đánh giá lớn về thành tựu của Thủ đô trong nhiệm kỳ qua, đề xuất và gợi mở những giải pháp thiết thực, xác đáng vào phương hướng, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đặc biệt là 3 khâu đột phá của thành phố trong 5 năm 2015-2020.
Toàn cảnh hội nghị. |
Đặc biệt, bên cạnh những đóng góp chung, nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương, nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể thấy, một trong những đổi mới rõ nhất là đổi mới về tư duy kinh tế mà Hà Nội là địa phương đi đầu. Hà Nội cũng địa phương thoát ra khỏi cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp theo kiểu mệnh lệnh rất thành công, đồng thời sớm vượt qua khủng hoảng kinh tế. Đó là những điểm cần nhấn mạnh trong báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới. Ngoài ra, theo các đại biểu, trong đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV và nhìn lại 30 năm đổi mới, phần đúc rút kinh nghiệm của 5 năm phải cụ thể gắn với một nhiệm kỳ, coi đó là kết quả chứ không phải là thành tựu; còn việc nhìn lại 30 năm đổi mới phải được xác định đó là thành tựu. Chính vì vậy, việc đánh giá cần có tầm khái quát cao, có trọng tâm, trọng điểm và đánh giá theo từng giai đoạn cụ thể.
Các ý kiến đã tập trung phân tích làm rõ thêm những những hạn chế, bất cập. Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng, trong mục hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân cần đánh giá kỹ hơn về liên kết phát triển vùng. Theo ông, Thủ đô càng lớn, càng đông dân thì yếu tố liên kết phát triển vùng càng phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hiện nay, nhìn về góc độ quản lý đô thị còn rất nhiều vấn đề nan giải mà chỉ có thể giải quyết được thông qua việc quy hoạch, liên kết phát triển vùng Thủ đô. Về công tác quản lý đô thị, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trật tự, kỷ cương, an toàn giao thông còn kém, ý thức tham gia giao thông của đông đảo người dân chưa cao. Trong đó, có một nguyên nhân về cơ chế, chế tài xử phạt chưa nghiêm, có nguyên nhân về hạ tầng đô thị chưa đáp ứng kịp yêu cầu của xã hội… Vấn đề này còn liên quan đến việc giãn dân nội đô còn chậm; do chưa phát triển kịp thời các khu đô thị mới và hạ tầng đô thị khu vực ngoài đô thị…
Trên cơ sở phân tích hạn chế, yếu kém, các ý kiến đã đề xuất những giải pháp cụ thể, định hướng phát triển đúng đắn với từng lĩnh vực của thành phố như: Cần nêu bật, làm rõ hơn nữa việc xác định cấu kinh tế là Dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp; cần làm rõ hơn các chỉ tiêu đầu tư, kinh tế- xã hội; quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; cần chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN với tư cách Hà Nội là một trong 2 trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Đặc biệt, thành phố cần quan tâm đến vấn đề thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch; cần phải đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kĩ thuật, quy hoạch trung tâm Hà Nội là khu đô thị trung tâm và 5 thành phố vệ tinh; cần tập trung xây dựng phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô...
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của TP. |
Nhấn mạnh đến xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán đề nghị, trong phương hướng trong nhiệm kỳ tới cần bổ sung yêu cầu phải thay đổi phương pháp quản lý báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông… “Chúng ta phải chỉ rõ xu hướng phát triển của báo chí hiện đại đã và đang có sự đổi mới tư duy làm báo, tích hợp công nghệ, tương tác với bạn đọc và liên thông với người nghe. Vì vậy, cần phải thay đổi cách quản lý gắn với tăng cường đầu tư cho báo chí, xuất bản - lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến công tác tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa của người Hà Nội”- Tổng Biên tập Tô Quang Phán kiến nghị.
Góp ý kiến vào khâu đột phá thứ nhất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương nêu: “Nếu chỉ đề cập đến “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn” là chưa đủ. Hiện tại, chúng ta đã làm nhiều tuyến đường nên hạ tầng tương đối đầy đủ, nhưng đô thị chưa thực sự phát triển. Vì vậy, cần bổ sung phát triển đô thị, trọng tâm nữa là phát triển đô thị mới trong khâu đột phá thứ nhất thì chúng ta mới quyết tâm nâng cao hiệu quả từ những công trình kết cấu hạ tầng”.
Thay mặt Thường trực Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ban, ngành. Đồng chí khẳng định, những ý kiến đóng góp thực sự dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố sẽ được đưa vào chỉnh lý, bổ sung, giúp Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà nội nhiệm kỳ 2015-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.