Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bánh Trung thu: Vì sao đại hạ giá sớm?

Đình Hiệp| 10/09/2011 07:08

(HNM) - Dù chưa đến Rằm Trung thu nhưng từ hơn một tuần nay, các cửa hàng bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh đều treo bảng "giảm giá đến 50%" hoặc "mua 1 tặng 1". PV Báo Hànộimới đã có cuộc khảo sát nhỏ quanh thị trường để tìm hiểu lý do vì sao bánh Trung thu năm nay lại đại hạ giá sớm đến vậy?

Treo biển "hàng hiệu", bán hàng dỏm?

Thường thì gần đến Trung thu hoặc sau ngày Rằm tháng Tám các đại lý bán bánh Trung thu mới tung ra các hình thức giảm giá, khuyến mãi lớn. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, trong khi một số hãng có thương hiệu không giảm giá, với lý do "để giữ uy tín" thì trên các tuyến đường có nhiều điểm bán bánh Trung thu tại TP Hồ Chí Minh như Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình), Nguyễn Thị Thập (quận 7), Nguyễn Tất Thành (quận 4), khu vực quận 9 và quận Thủ Đức, Lê Đại Hành (quận 11)… hầu hết cửa hàng đã treo bảng giảm giá 50% hay "mua 1 tặng 1".

Cửa hàng của Kinh Đô nhưng lại bán bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất tư nhân.

Khi được hỏi "vì sao năm nay Kinh Đô và Đồng Khánh lại xả hàng sớm thế", nhân viên của một cửa hàng bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) nói: "Không phải đâu anh ơi, chúng em chỉ giảm giá và mua 1 tặng 1 đối với một số loại bánh của hãng khác, không phải của Kinh Đô hay Đồng Khánh đâu". Vừa nói, cô nhân viên tên là Huyền vừa chỉ cho phóng viên Báo Hànộimới xem một loạt sản phẩm bánh Trung thu có "thương hiệu" ăn theo Đồng Khánh như Hỷ Đồng Khánh, Lý Đồng Khánh, Hữu Thành Đồng Khánh, Phổ Thiên Đồng Khánh, Song Long Đồng Khánh... đang được "đại hạ giá" ở đây.

Qua tìm hiểu, được biết, hầu hết các cửa hàng treo biển bán bánh Trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh ở TP Hồ Chí Minh đều bày bán cả những loại bánh của các cơ sở sản xuất tư nhân. Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, một số cửa hàng còn trà trộn bánh không rõ nguồn gốc, không rõ ngày sản xuất hay hạn sử dụng, với những chiêu khuyến mãi, giảm giá. Thậm chí một số cơ sở sản xuất tư nhân còn đẩy giá lên cao (từ 70 - 90.000 đồng/ bánh 2 trứng), rồi dùng chiêu "mua 1 tặng 1". Thực tế thì người tiêu dùng không được lợi là bao, mà chất lượng như thế nào không ai dám chắc.

Trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), khoảng hơn một tuần nay ngày nào cũng có xe tải chở bánh Trung thu đứng bán cho người đi đường. Trên bao bì của các loại bánh này có ghi Song Long Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), bán với giá 14.000 đồng/bánh đậu xanh, bánh dẻo; 20.000 đồng/bánh nướng (loại 1 trứng), còn loại có 2 trứng bán với giá 30.000 đồng/chiếc. Thậm chí có những xe tải chở bánh Trung thu nhưng đề giá bán chỉ 10.000 đồng/chiếc. Tại một số quầy hàng tạp hóa, bánh hiệu Thượng Hải Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở quận 3) được bán với giá 30-60.000 đồng/chiếc, trên bao bì hạn sử dụng ghi 30 ngày, nhưng ngày sản xuất thì… để trống!

Ai kiểm soát chất lượng đầu ra?

Nguyên nhân dẫn đến việc "đại hạ giá", theo một số chủ tiệm kinh doanh, là do thị trường bánh Trung thu năm nay khởi động sớm, giá tăng cao; vì vậy các cơ sở muốn bán được hàng phải giảm giá để cạnh tranh. Nhiều cơ sở sản xuất tư nhân, chi phí quảng bá cũng như chi phí nhân công, nhà xưởng thấp nên giá bán cũng cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, "mua 1 tặng 1" đồng nghĩa với việc giá bánh chỉ còn bằng nửa. Một chiếc bánh rẻ nhất khoảng 30.000 đồng, nếu "mua 1 tặng 1" thì chỉ còn 15.000 đồng. Giá rẻ như vậy khiến không ít người tiêu dùng đặt dấu hỏi về chất lượng bánh.

Theo tính toán của các nhà sản xuất công bố từ đầu mùa Trung thu, với chi phí sản xuất tăng 20-25% so với năm 2010 thì mức giá khuyến mãi này còn thấp hơn cả giá thành làm bánh. Phó Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Bibica Phan Văn Thiện thừa nhận, với giá đầu vào nguyên liệu như hiện nay thì không thể giảm giá tới 50% đối với những sản phẩm có giá 35.000-40.000 đồng/chiếc. Do vậy, chỉ những lò bánh tư nhân, làm ăn thời vụ, sử dụng nguyên liệu nhân bánh giá rẻ mới có thể giảm giá 50%.

Đáng ngạc nhiên là đoàn thanh tra Sở Y tế TP và các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra vệ sinh ATTP các cơ sở sản xuất bánh Trung thu từ gần một tháng nay nhưng vẫn chưa phát hiện sai phạm. Bởi, việc kiểm tra mới chỉ tập trung vào xử lý nhãn mác, bao bì chứ chưa có bất kỳ mẫu bánh Trung thu nào được kiểm nghiệm chất lượng. Theo đại diện Sở Y tế, các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, vi phạm không lớn nên đoàn đã không lấy mẫu kiểm nghiệm.

Ông Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty Kinh Đô khẳng định, sản phẩm bánh Trung thu Kinh Đô bán đúng giá quy định và hoàn toàn không có chủ trương "đại hạ giá"; tuy nhiên, có một thực tế là nhiều cơ sở sản xuất tư nhân đang ngang nhiên lợi dụng cửa hàng và thương hiệu của Kinh Đô, Đồng Khánh… để tung ra thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Công ty Kinh Đô hoàn toàn biết điều này nhưng cũng đành "bó tay" vì không thể kiểm soát được.

Tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" trên thị trường bánh Trung thu cho thấy các cơ quan chức năng của thành phố cần vào cuộc một cách nghiêm túc hơn để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh Trung thu: Vì sao đại hạ giá sớm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.