(HNMO)- Ngày 15/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”.
Hội thảo tập hợp các chuyên gia, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và các đại biểu bàn thảo và đề xuất các giải phát để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Việt Nam. Những kết quả của Hội thảo sẽ được các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định đưa ra các chính sách phù hợp, đặc biệt là những chính sách về tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các Bộ, ngành triển khai, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Để phát huy được hiệu quả tối đa ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể.
Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và người nông dân. Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên... và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình này phát triển. Mục tiêu của chương trình tín dụng thí điểm này nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp với quy mô nhỏ bé, manh mún và thiếu liên kết đang sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa, sản xuất lớn và phát triển bền vững. Chương trình thí điểm một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong trong sứ mệnh này, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và nông dân thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia vào các mô hình này.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, Chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung: (i) giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); (ii) tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết.
Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nông nghiệp có một số đặc điểm như sau: Thứ nhất, cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ nông dân, chẳng hạn cho vay doanh nghiệp để mua giống, vật tư nông nghiệp để tạm ứng cho nông dân để sản xuất.
Thứ hai, việc cho vay tập trung vào liên kết theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân từ đó kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, chương trình có những hỗ trợ nhất định đối với các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm, cả về nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, tài sản đảm bảo so với điều kiện chung của thị trường.
Với chương trình thí điểm này, ngành Ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để thí điểm chương trình tín dụng này với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như là lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu... Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), Ngân hàng Nhà nước tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.