Vào thế kỷ thứ XV, ở một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg (Đức) có một gia đình có tới 18 đứa trẻ. 18 đứa! Chỉ nghĩ đến việc cung cấp đủ thức ăn cho những đứa trẻ này, người cha, vốn là một người thợ kim hoàn đã phải làm việc gần như 18 tiếng một ngày.
Mặc dù cuộc sống vất vả như vậy, nhưng hai đứa trẻ của gia đình có một giấc mơ. Cả hai mong muốn theo đuổi tài năng nghệ thuật của mình và cả hai đều biết rằng cha chúng không có đủ tiền để có thể gửi cả hai đến Nuremberg để học ở học viện.
Sau nhiều cuộc thảo luận vào ban đêm khi leo lên giường ngủ, hai đứa trẻ cuối cùng cũng tìm ra một hiệp ước. Chúng sẽ tung đồng xu. Người thua cuộc sẽ xuống hầm mỏ gần đó và kiếm tiền nuôi người anh em của mình đi học ở học viện. Sau đó, khi cậu bé thắng cuộc học xong, trong 4 năm, cậu bé ấy sẽ nuôi người còn lại ăn học, nhờ việc bán những tác phẩm của mình hoặc nếu cần thiết, cũng đến làm việc ở mỏ.
Chúng tung đồng xu vào sáng chủ nhật sau khi đi lễ nhà thờ. Albrecht thắng và đi Nuremberg. Albert xuống hầm mỏ và nuôi em ăn học trong suốt 4 năm. Những tác phẩm tranh khắc gỗ, tranh sơn dầu của Albrecht đẹp hơn tranh của hầu hết các thầy giáo và vào thời điểm tốt nghiệp, cậu bắt đầu kiếm được tiền.
Khi nghệ sĩ trẻ trở về làng, gia đình đã tổ chức một bữa tiệc kỷ niệm. Sau một bữa ăn lâu và đáng nhớ, với đầy âm nhạc và tiếng cười, Albrecht đứng dậy từ vị trí ông chủ bữa tiệc và uống một chén rượu mừng với người anh em yêu quý, người đã dành 4 năm lao động cật lực để khuyến khích Albrecht thực hiện tham vọng của mình. Những lời cuối cùng của anh là: "Và bây giờ, Albert, người anh trai kính mến của em, đến lượt anh. Anh có thể đi Nuremberg để theo đuổi ước mơ và em sẽ chăm sóc cho anh".
Tất cả mọi người hướng về Albert. Albert ngồi, nước mắt chảy dài trên gương mặt xanh xao, lắc đầu từ bên nọ sang bên kia khi nhắc lại: "Không... không... không".
Cuối cùng, Albert đứng dậy lau nước mắt. Anh nhìn xuống bàn, đặt tay lên má phải và nói nhẹ nhàng: "Không em ạ. Anh không thể đến Nuremberg được nữa. Đã quá muộn với anh rồi. Hãy nhìn xem, 4 năm làm việc dưới hầm mỏ đã khiến đôi tay anh chai cứng. Xương ở mỗi ngón tay anh đã gãy ít nhất một lần và gần đây anh đã bị viêm khớp nặng đến nỗi tay phải anh không thể cầm ly rượu mừng của em được. Làm sao anh có thể cầm bút hay chổi mà vẽ tranh. Không. Em ơi. Bây giờ đã quá muộn rồi".
Một ngày, để tỏ lòng kính trọng với Albert vì sự hy sinh của anh ấy, Albrecht Durer đã cẩn thận vẽ đôi bàn tay tàn tật của anh với lòng bàn tay chai sần và những ngón tay gầy mỏng manh. Ông đơn giản gọi bức tranh tuyệt vời ấy là "Đôi bàn tay" nhưng toàn thế giới gần như ngay lập tức mở lòng với tác phẩm bậc thầy ấy và đặt lại tên cho bức tranh là "Đôi bàn tay cầu nguyện".
Hơn 450 năm đã trôi qua. Giờ đây, hàng trăm bức tranh màu nước, khắc gỗ, khắc đồng bậc thầy của Albrecht Durer được treo ở các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới và mọi người khi biết về họa sĩ này đều biết đến bức tranh "Đôi bàn tay cầu nguyện". Bức tranh như nhắc nhở mọi người về sự biết ơn và kính trọng của Albrecht đối với người anh trai đã hết lòng làm việc để nuôi dưỡng giấc mơ cho người họa sĩ tài ba.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.