Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023

Hương Ly- Ảnh: Viết Thành| 22/11/2022 15:05

(HNMO) - Theo Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII) diễn ra từ ngày 21 đến 23-11, sẽ có hai “kịch bản” về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, với phương án cao, tỷ lệ giải ngân vốn sẽ đạt 90,1% so với kế hoạch giao đầu năm. Với phương án thấp, tỷ lệ giải ngân của thành phố ước đạt 82,6% kế hoạch. Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì phiên thảo luận tại tổ 1.

Hai “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho thấy, năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công mà Trung ương giao cho thành phố là 51.582,9 tỷ đồng. Kế hoạch thành phố giao đầu năm cũng bằng kế hoạch vốn Trung ương giao.

Nguồn vốn này được bố trí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án cấp thành phố là 21.594,2 tỷ đồng; bố trí thực hiện các nhiệm vụ, dự án cấp huyện là 29.478,7 tỷ đồng. Thành phố cũng tính toán hai “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022. Trong đó, với phương án đạt cao, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 90,1% so với kế hoạch giao đầu năm (trong trường hợp giải ngân hết 1.759,69 tỷ đồng ứng Quỹ Đầu tư phát triển đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4, các đơn vị thực hiện giải ngân như cam kết tháng 9-2022). Với phương án đạt thấp, tỷ lệ giải ngân ước đạt 82,6% kế hoạch (trong trường hợp kết quả giải ngân năm 2022 của các đơn vị như tại báo cáo của các đơn vị trong đề xuất xây dựng kế hoạch năm 2023).

Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng đánh giá, năm 2022, thành phố dự kiến hoàn thành 60 dự án xây dựng cơ bản tập trung, 112 dự án ngân sách sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố hỗ trợ cấp huyện…

Từ kết quả giải ngân vốn cả năm 2022, thành phố cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.

Thành phố cũng chỉ ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư; thẩm định phê duyệt dự án.

Theo đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, có những nguyên nhân mang tính đặc thù dẫn tới kết quả đầu tư công năm 2022. Nguyên nhân là do 2022 là năm chịu nhiều tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng. Từ đó, đã dẫn tới tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.

Đối với các dự án ODA, do các nguyên nhân tồn tại từ các năm trước nên các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn hiệp định vay, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Thêm vào đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp thành phố và các dự án cấp huyện đều chưa bảo đảm tiến độ...

Đáng chú ý, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022 cũng còn gặp nhiều còn khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu dự toán được HĐND thành phố và HĐND cấp huyện giao và ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và giải ngân các dự án đầu tư công năm 2022. Thêm vào đó, một số dự án có liên quan đến lĩnh vực đê điều chưa được Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chấp thuận để thi công do mùa mưa lũ, nên chỉ thực hiện và giải ngân vào các tháng cuối năm. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án lĩnh vực di tích còn chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành trước khi phê duyệt dự án nên thủ tục bị kéo dài…

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì thảo luận tại tổ 2.

Bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án theo tiến độ

Theo kế hoạch dự kiến, năm 2023, Trung ương dự kiến giao cho thành phố Hà Nội là 46.956,098 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch năm 2022 là 4.626,854 tỷ đồng.

Thành phố cũng xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp thành phố (26.184,646 tỷ đồng). Trong đó, sẽ bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả, bổ sung Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, vốn thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, vốn thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch là 4.340,305 tỷ đồng. Nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công cấp thành phố là 15.720,291 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ giao vốn cho 256 dự án, gồm: 219 dự án chuyển tiếp với số vốn 13.107,791 tỷ đồng; 37 dự án mới với số vốn 2.612,5 tỷ đồng…

Thành phố cũng sẽ bố trí vốn thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.751,55 tỷ đồng. Trong đó, với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sẽ bố trí 1.713,05 tỷ đồng với 125 dự án; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội dân tộc miền núi: 38,5 tỷ đồng, với 8 dự án mới.

Đáng chú ý, ngân sách thành phố cũng sẽ hỗ trợ cho cấp huyện 4.372,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng ảnh hưởng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của thành phố; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế với 81 dự án, số vốn là 1.222,5 tỷ đồng.

Từ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương một số nội dung.

Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chủ trì thảo luận tại tổ 4.

Về tổng nguồn vốn, sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đã có đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn ở thời điểm đầu năm. Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất thành phố giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với phương án tổng nguồn vốn là 46.946,267 tỷ đồng. Trong năm, trong trường hợp dự án đường Vành đai 4 và các dự án khác có nhu cầu bổ sung kế hoạch, thành phố sẽ xem xét bổ sung từ các nguồn của thành phố. Thành phố bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án theo tiến độ.

Về thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2023, hiện nay, còn nhiều dự án cấp thành phố chưa đủ điều kiện để bố trí vốn, với số vốn đề xuất bố trí theo kế hoạch năm là 8.405,6 tỷ đồng (chưa gồm dự án đường Vành đai 4 hiện cũng chưa được phê duyệt dự án). Ban Cán sự đảng UBND thành phố kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho phép vẫn tổng hợp nhu cầu này; nhưng sẽ chỉ tổng hợp báo cáo đề xuất bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án đủ điều kiện, tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công.

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách cấp huyện theo đúng trách nhiệm với các dự án sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ để hoàn thành dự án… Căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, HĐND thành phố sẽ quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án ngân sách của thành phố.

Thành phố cũng kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt đối với chi phí lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bàn phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.