Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản lĩnh vượt thách thức

Đan Nhiễm| 30/03/2019 06:34

(HNM) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quý I-2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,79% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn tăng trưởng quý I giai đoạn 2011-2017 nhưng thấp hơn mức tăng trưởng của quý I-2018 (7,38%).


Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nhất là “ngòi nổ” chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn âm ỉ; dịch bệnh, trong đó có bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành thì việc đạt mức tăng trưởng 6,79% trong quý đầu tiên của năm nay cũng là nỗ lực đáng kể.

Kết quả đó có được phần lớn là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ. Nhiều chính sách mới để phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của nền kinh tế đã bước đầu đi vào cuộc sống. Rõ nhất là việc các bộ, ngành đã cắt giảm hàng nghìn “giấy phép con”; minh bạch, rút ngắn các thủ tục đầu tư kinh doanh ở mức tối đa.

Vậy nhưng, không được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” bởi nguy cơ tăng trưởng không đạt mục tiêu vẫn rất lớn. Điểm nghẽn được chỉ ra là tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm, có thể ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng. Cùng với đó là mặt hàng xăng dầu thế giới biến động khó lường. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở các dự án trọng điểm còn chậm cũng kéo theo nhiều hệ lụy…

Ngoài ra, như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 18-3-2019 thì vẫn còn tình trạng “Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển”…

Hiện nay, khi tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ đã bão hòa thì chỉ còn một số dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu. Đó là: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện cầu và sức mua trong nước; có giải pháp phù hợp để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch và sự phục hồi của ngành Nông nghiệp.

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp; đẩy mạnh việc đầu tư của tư nhân bằng giải pháp các địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác. Đặc biệt, làm sao thu hút sự tham gia của doanh nghiệp dân doanh vào nền kinh tế với mục tiêu hướng tới là có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Cùng với đó là việc cải cách thể chế cần thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Bên cạnh đó, cần chủ động các giải pháp phòng, chống để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cũng như các dịch bệnh tới sản xuất, đời sống...

Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới, đòi hỏi những động thái cải cách quyết liệt hơn nữa. Bởi xét cho cùng, nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì những giải pháp phục vụ mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ khó thành hiện thực.

Vì thế, cần tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển biến ở tầm cao và dần nguội lạnh ở cấp cơ sở trực tiếp thực thi mệnh lệnh. Bởi chúng ta đã nghe quá nhiều những câu chuyện “trên bảo dưới không nghe”, “nghe xong không làm”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”… Đó là những "ung nhọt" cần sớm bị loại bỏ.

Càng khó khăn thì việc kiên trì mục tiêu tăng trưởng thông qua việc đưa ra những quyết sách kịp thời luôn là chìa khóa của thành công. Kinh nghiệm điều hành chính sách kinh tế trong năm 2018 của Chính phủ cho thấy, chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức khi quyết tâm và có sự vận hành đồng bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản lĩnh vượt thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.