Năm 2023, Hà Nội đã cho thấy bản lĩnh vượt khó, thể hiện rõ khát vọng vươn lên tầm cao mới bằng những quyết sách, hướng đi đúng đắn và hành động quyết liệt.
Năm 2024 mở ra là cơ hội hiện thực hóa những mục tiêu đã lựa chọn, cũng là thử thách đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và cống hiến, vì một Thủ đô thực sự văn hiến - văn minh - hiện đại.
1. Nhìn lại năm 2023, chúng ta đều thấy đại dịch Covid-19 dù đã qua đi nhưng hệ lụy vẫn còn đó. Trên thế giới, lạm phát chưa có điểm dừng, lãi suất tăng cao ở mức kỷ lục trong hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới càng tạo áp lực lên tỷ giá và cộng đồng doanh nghiệp; người dân thắt chặt chi tiêu khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp... Tại Hà Nội, quý I-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đóng góp 1,18% vào mức tăng GRDP của thành phố.
Trước khó khăn, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng trăm sự kiện biểu diễn, lễ hội, triển lãm được tổ chức. Đặc biệt, các lễ hội, chương trình âm nhạc quy mô lớn, mang tầm quốc tế như Born Pink World Tour, Hay Fest, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa và bước đi đột phá với Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 đã thổi một luồng gió mới vào ngành dịch vụ, đưa tỷ trọng ngành này vượt qua con số 65% trong cơ cấu nền kinh tế. Năm 2023, ngành dịch vụ tăng trưởng 7,26% so với năm trước (riêng nghệ thuật vui chơi giải trí tăng tới 15,39%), đóng góp tới 4,69% GRDP của thành phố.
Nhờ tập trung củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế, Hà Nội ngày càng gia tăng nguồn thu nội địa (thuế, phí, lệ phí), củng cố sự bền vững về nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội đứng đầu cả nước về kết quả thu nội địa với 376.536 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đến 15h ngày 28-12-2023 là 405.252 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GRDP tuy chưa đạt như kế hoạch đề ra nhưng với mức tăng 6,27% so với cùng kỳ, vẫn cao hơn đáng kể so với tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%.
Có thể nói, trước khó khăn, Hà Nội đã cho thấy bản lĩnh, sự kiên trì, quyết tâm và đặc biệt là tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, gương mẫu của Thủ đô - trái tim của cả nước.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố Hà Nội
- Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%.
- GRDP bình quân đầu người 160,8-162 triệu đồng/năm.
- Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%.
- Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%.
- Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
- Giảm số hộ nghèo so với đầu năm là 300-400 hộ.
- Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: 78,5%.
- Tỷ lệ hộ dân thành thị được cung cấp nước sạch đạt 100%, nông thôn đạt 95%.
- Tăng thêm 40 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu…
2. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, Hà Nội còn tập trung cho khâu then chốt là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Năm 2023 đánh dấu sự quyết liệt của Thành ủy Hà Nội trong chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố với Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng toàn quốc năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã đánh giá cao sự sáng tạo của Hà Nội khi là địa phương đầu tiên nhận diện cụ thể 25 biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đưa vào kiểm điểm tự phê bình và phê bình cuối năm ở từng chi bộ và tất cả cán bộ, đảng viên.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội chọn thực hiện chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Có thể nói, “chất” kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị thành phố được duy trì tốt. Nhờ đó, Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt những việc lớn, việc mới, việc khó, tiêu biểu là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Năm 2023 đánh dấu dự án kết nối vùng và mang tính động lực này khởi công sau thời gian chuẩn bị nhanh kỷ lục. 7 quận, huyện nơi dự án đi qua đến nay đã hoàn thành phê duyệt và thu hồi đạt hơn 96% diện tích cần giải phóng mặt bằng. Với tốc độ hiện tại và cam kết của các nhà thầu, khoảng quý III-2025, Hà Nội có thể hoàn thành phần đường song hành của dự án.
Nhờ quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, thành phố còn triển khai một bước rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ rất khó, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô là phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cả 3 nhiệm vụ đến nay đều đã cho kết quả tích cực. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với đạt sự đồng thuận rất cao tại kỳ họp thứ sáu. Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được HĐND thành phố thông qua. Còn việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành được các báo cáo quan trọng. Thành phố đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội thông qua 3 nội dung quan trọng này vào kỳ họp thứ bảy, diễn ra tháng 5-2024.
3. Với kết quả ấn tượng trong năm 2023, Hà Nội bước vào năm 2024 với tâm thế tự tin, vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong đó, khó khăn nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7%, GRDP đầu người 160-162 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn là nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch, thành phố phải triển khai thực hiện được ngay...
Nhiệm vụ đặt ra còn rất nặng nề khi đây là năm quan trọng trong triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Cùng với việc chuẩn bị văn kiện, nhân sự, toàn thành phố phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đây là năm tăng tốc triển khai các dự án thành phần, nhất là hoàn thành các thủ tục để tiến hành đấu thầu dự án thành phần đường cao tốc (hình thức đầu tư PPP) mà theo dự báo nếu trước tháng 6-2024 không xong, nguy cơ chậm tiến độ rất lớn...
Với khí thế hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” để chinh phục thành công những mục tiêu mới. Trong quá trình đó, thành phố không thể thiếu được sự đồng hành, chia sẻ, chung sức, đồng lòng gánh vác của mỗi cán bộ, đảng viên, quân và dân Thủ đô, với niềm tự hào về vùng đất nghìn năm văn hiến, anh hùng.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: “Về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2024 là: Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.