(HNMO) – Ngày 16/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu còn chưa thống nhất quan điểm về việc thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và đánh giá, dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, kế thừa được các quy định mà Chính phủ đã quy định trong thực tiễn trước đây cũng như kế thừa và phát huy được kinh nghiệm của các nước trong kỹ thuật xây dựng luật nhằm triển khai có hiệu quả các công ước mà Việt Nam đã ký kết.
Những ý kiến thảo luận của các đại biểu tập trung góp ý cho tên gọi của luật và phạm vi điều chỉnh của luật; một số nội dung cụ thể về việc quy định in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nguồn lực để phòng, chống tác hại của thuốc lá; tính khả thi của các điều luật liên quan đến các nội dung bị cấm; quyền và trách nhiệm của người có địa điểm cho người hút thuốc lá; sự đồng bộ, thống nhất của luật này với các luật khác…
Đáng chú ý, về quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau.
Các đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng, Trương Thị Yến Linh - Cà Mau, Nguyễn Hoàng Việt - Đồng Tháp, Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang tán thành việc thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá như trong dự thảo luật. Về hình thức thu quỹ, đại biểu nhất trí, thu từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính theo mức tuyệt đối trên 1 bao thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
“Cách thu này đơn giản và thuận tiện hơn, phù hợp với Luật ngân sách nhà nước. Còn Bộ nào sẽ giữ quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá? Theo tôi nghĩ nên giao cho Bộ y tế giữ quỹ, quan trọng ở đây là phải đảm bảo tính hiệu quả của nguồn quỹ này, nghĩa là phải quản lý, sử dụng nguồn quỹ cho rõ ràng và minh bạch và phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên nguồn quỹ này”, đại biểu An nói.
Các đại biểu Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa, Nguyễn Thái Học - Phú Yên ủng hộ việc phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng chưa đồng tình với cách lập luận về việc thành lập quỹ này như trong tờ trình của Chính phủ.
“Tôi thấy ngoài các nguyên nhân về việc hình thành một bộ máy quản lý quỹ, việc quản lý sử dụng quỹ như thế nào thì nó còn có một nguyên nhân là tôi thấy Báo cáo giải trình của Chính phủ về việc thành lập quỹ chưa mang tính thuyết phục”, đại biểu Học nói.
Theo giải thích của đại biểu Học, để có kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ cho biết, mỗi năm cần khoảng 420 tỷ, nhưng Chính phủ chỉ mới trích ngân sách khoảng 1 tỷ để làm nhiệm vụ này. Như vậy Chính phủ có quyết tâm trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá không? Thêm vào đó, Báo cáo giải trình cũng chưa nêu rõ là với quy định vận động người hút thuốc lá và các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, kinh doanh thuốc lá đóng góp hàng năm thì chúng ta sẽ thu được bao nhiêu và khoản thu đó có đáp ứng được công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hay không?
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi - Phú Yên cũng tỏ ra băn khoăn với việc thành lập quỹ bởi sẽ rất khó quản lý khi hiện nay, Bộ y tế đã có quá nhiều việc phải làm, nếu thành lập quỹ này do Bộ y tế quản lý thì sẽ thiếu người quản lý, sẽ phải tăng thêm biên chế của bộ máy và vấn đề kiểm tra, thanh tra, giám sát… cũng khó minh bạch và khó kiểm soát.
“Tôi đề nghị cần quy định nguồn lực tăng từ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đưa vào ngân sách nhà nước và nhà nước điều tiết bằng cách tăng chi thường xuyên cho ngành y tế hoặc bằng cách bố trí vào chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Như vậy, nguồn này vẫn được thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật và tránh việc khi một luật ra đời lại thêm một quỹ mới và phình to về bộ máy biên chế, trái với quy định nội dung cải cách, nhằm đảm bảo minh bạch, công khai về tài chính”, đại biểu Chi đề xuất.
Ủng hộ phương án không thành lập quỹ, đại biểu Dương Ngọc Ngưu - Điện Biên cũng cho rằng, việc tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá là cần thiết, nhưng tăng cường bằng cách nào thì cần phải cân nhắc kỹ để đáp ứng yêu cầu hợp pháp, hợp lý và sử dụng nguồn lực cho có hiệu quả. Thay vì lập quỹ, nên tăng cường nguồn lực bằng cách bố trí nguồn ngân sách trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế với dự án thành phần là phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và làm rõ quỹ này quy định ở văn bản nào, pháp luật nào và căn cứ thành lập quỹ, nguồn quỹ và các đối tượng phải đóng góp cho quỹ để làm căn cứ cho Quốc hội xem xét…. Với tình trạng một số luật khi xây dựng đều đề xuất thành lập quỹ để thu thêm một khoản ngoài ngân sách cấp, đồng nghĩa với việc thành lập những ngân sách nhỏ sẽ làm chia cắt chính sách tài chính, chính sách thuế và thiếu công khai, minh bạch, không đáp ứng được yêu cầu giảm các khoản đóng góp cho người dân”, đại biểu Ngưu nói.
Chung quan điểm, đại biểu Bùi Đức Thụ - Lai Châu cũng đề nghị không nên lập quỹ cũng như không nên trích thêm một khoản ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt hay là thêm một khoản khác như một thứ đóng góp của quỹ tài chính Nhà nước.
“Đối với thuốc lá nếu cần hạn chế tiếp thì chúng ta nâng thuế tiêu thụ đặc biệt lên và nguồn thu của ngân sách nhà nước phải trình Quốc hội phân bổ hàng năm, không nên để lại cho từng mục tiêu bởi sẽ làm phân tán ngân sách và khó kiểm soát, phá vỡ tính nhất quán trong quản lý ngân sách”, đại biểu Thụ nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.