(HNM) - Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong 5 con đường chiến lược, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm tháng qua đi, những chiến công và sự hy sinh cao cả của lực lượng mở đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là bản hùng ca bất tử trong lòng dân tộc...
1. Tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 có tên gọi Tập đoàn đánh cá Sông Gianh được thành lập (thuộc Đoàn 559), có nhiệm vụ nghiên cứu phương thức vận chuyển vũ khí bằng đường biển chi viện chiến trường miền Nam. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào Khu 5 nhưng không thành công. Từ giữa năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ ra miền Bắc, trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế vào Nam. Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy - Đoàn tàu “không số”, đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay. Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” rồi đưa 4 tàu gỗ vào hoạt động.
Sau chuyến đưa 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, Đoàn 759 đã nhân rộng phương thức, chỉ trong hai tháng đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9. Ngày 17-3-1963, việc đưa tàu vỏ sắt vào vận chuyển chính thức được thực hiện. Ngày 29-1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Năm 1964, Đoàn đã tổ chức 79 chuyến vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí, trang bị và hàng trăm lượt cán bộ cập bến ở Khu 9, cực Nam Trung Bộ và Khu 7, Phú Yên, Bình Định; góp phần cho chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã...
Giai đoạn 1965-1972 là thời điểm chuyển sang phương thức vận chuyển mới để vượt qua kiểm tỏa gắt gao của địch. Sau sự kiện tàu C143 bị lộ ở Vũng Rô tháng 2-1965, Mỹ, ngụy tiến hành chiến dịch phong tỏa vùng biển Việt Nam. Hải quân Mỹ đưa 40% lực lượng Hạm đội 7 ngăn chặn từ ngoài khơi trong khi hải quân chính quyền Sài Gòn thành lập đội đặc nhiệm để ngăn chặn ven bờ. Trước thủ đoạn này, Đoàn tàu “không số” đã tổ chức vận chuyển vòng tránh, đi ra đường biển quốc tế xa hơn, dài ngày hơn rồi bất ngờ đột nhập vào bến. Hoặc là tổ chức các đội thuyền gỗ từ bờ đi ra ngoài khơi và lấy hàng ngay trên biển để đột nhập vào các bến. Kết thúc giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt này, đến tháng 3-1968, Đoàn 125 đã tổ chức 37 chuyến, trong đó có 17 chuyến thành công, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường.
2. Bước sang giai đoạn 1973-1975, là thời điểm mà phương thức vận tải đường biển linh hoạt, vừa bí mật vừa công khai, như tận dụng thời gian đình chiến để mở các chiến dịch vận chuyển nhanh, hiệu quả kết hợp với vận chuyển như phương thức ban đầu. Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ, có lợi cho ta, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch. Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”.
Trong tháng 3 và 4-1975, Đoàn 125 đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4-1975, Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu chở bộ đội ra giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa rồi tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.
Sau năm 1975 đến nay, là giai đoạn mà phương thức vận chuyển có sự đan xen, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc, vừa vận chuyển bảo đảm phục vụ chi viện quần đảo Trường Sa, tham gia phát triển kinh tế và có thời điểm vận chuyển chi viện chiến trường, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Hiện nay, các tàu của Lữ đoàn 125 không chỉ vận chuyển nhu yếu phẩm, người mà còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài quân đội vận chuyển các phương tiện, vũ khí, khí tài hạng nặng, hiện đại, đáp ứng các tình huống chiến đấu trên biển.
Từ khi ra đời, dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn về phương tiện, con người, trình độ nhân lực và chịu sự phong tỏa gắt gao của Mỹ, ngụy hoặc những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc gian khổ, ác liệt sau giải phóng miền Nam, nhưng Lữ đoàn 125 đã linh hoạt tìm ra phương thức vận chuyển chi viện chiến trường phù hợp, góp phần làm nên chiến thắng và bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc. Quá trình phát triển, trưởng thành 60 năm qua, Lữ đoàn 125 đã tô thắm truyền thống trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.