(HNM) - Tăng thu 1.137 tỷ đồng, giảm chi 2.093 tỷ đồng là kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sau khi thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2016.
Bộ chuẩn mực kiểm toán mới giúp kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách. |
Năm 2016, KTNN đã triển khai hàng trăm đoàn kiểm toán, xét duyệt 79 báo cáo kiểm toán và cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 báo cáo kiểm toán đã phát hành cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN là 7.240 tỷ đồng. Trong đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.137 tỷ đồng, giảm chi 2.093 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng. Nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài sản công đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời. Nổi bật là các chuyên đề kiểm toán về cơ chế quản lý các dự án BOT, quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng...
Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, trong hoạt động nghiệp vụ của KTNN, loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ) có khả năng đánh giá đầy đủ về các hoạt động đa dạng của các đối tượng kiểm toán cũng như tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực công. Tại hầu hết các quốc gia phát triển, cơ quan kiểm toán tối cao đều dành phần lớn nguồn lực để thực hiện KTHĐ. Nhận thức được vấn đề trên, từ năm 2014 đến nay, KTNN đã thực hiện gần 30 cuộc KTHĐ độc lập. Qua đó, KTNN đã kết luận rõ ràng và có kiến nghị đối với một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm...
Đáng chú ý, qua kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2015, KTNN đã phát hiện nhiều đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng, nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi. Nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ, một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư… Sau kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn của các đơn vị này 1.854 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.518 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 44 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 68 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 1.494 tỷ đồng; các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước tăng 6.220 tỷ đồng.
Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, mục tiêu cao nhất của cơ quan kiểm toán là thông qua hoạt động nghiệp vụ phát hiện ra các sai phạm, tìm ra nguyên nhân, từ đó làm cơ sở kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành và sử dụng nguồn lực công. Từ thực tế này, KTNN đã ban hành bộ chuẩn mực KTNN mới, với 39 chuẩn mực, tạo nền tảng cho việc phát triển loại hình KTHĐ. Đây là công cụ cốt lõi để các kiểm toán viên nhà nước có thể sử dụng để phát hiện sớm sai phạm tại các đơn vị sử dụng vốn ngân sách, qua đó hoàn thành trọng trách gìn giữ một nền tài chính công minh bạch, lành mạnh. Hệ thống chuẩn mực KTNN mới được ban hành cũng sẽ là thước đo để đánh giá chất lượng đạo đức hành nghề của kiểm toán viên trong quá trình tác nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, việc áp dụng bộ chuẩn mực KTNN mới theo hướng tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực kiểm toán quốc tế là một yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của KTNN, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách, giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.