Kinh tế

Bán hàng qua livestream: Giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng

Thanh Hiền 30/06/2024 - 06:27

Bán hàng bằng cách phát video trực tuyến (livestream) trên các nền tảng mạng xã hội đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị, bán hàng của doanh nghiệp.

Hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng và mở rộng thị trường, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp.

suc-nong-cua-nganh-cong-nghiep-livestream-ban-hang-tai-viet-nam-dang-tao-nen-cuoc-dua-gay-can-trong-thuong-mai-dien-tu..jpg
“Sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử.

Xu hướng và cơ hội

Dự kiến năm 2024, doanh thu bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng. Đây là thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó”, do Báo Hànộimới phối hợp với Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức chiều 27-6 tại Hà Nội.

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khi hoạt động mua bán, chốt đơn hàng qua mạng càng gia tăng thì các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường thêm tính năng hỗ trợ người bán. Trong đó có xu hướng mua hàng kết hợp giải trí qua các cuộc phát video trực tiếp.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn chia sẻ, sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến đã phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp và tiểu thương.

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao dịch thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Khẳng định “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết: Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 giờ với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền. Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng trực tuyến hoặc bắt tay với các KOLs (Key opinion leaders - những người dẫn dắt dư luận chủ chốt) để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và thông qua bán hàng livestream. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.

Giúp doanh nghiệp tăng doanh thu

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh, thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, trụ vững qua khó khăn, đồng thời tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Dù vậy, việc bán hàng thông qua hình thức livestream cũng là bài toán không dễ. Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về bán hàng trực tuyến, từ những năm 2020, công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, sau khâu bán hàng còn lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả đạt được chưa cao. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn thuần túy sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, công ty kiến nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố, các cơ quan truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng hiệu quả hơn, bà Hoàng Thị Huyền, đại diện Sàn thương mại điện tử Buudien.vn thông tin, Buudien.vn đặt mục tiêu năm 2024 cập nhật 100% sản phẩm OCOP, đưa tối thiểu 5.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lên sàn. Hiện, Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm dịch vụ, tương ứng 13.000 điểm bán lẻ tại 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là 13.000 điểm đang giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ngoài truyền thông nội bộ của Bưu điện Việt Nam, tại các điểm bán lẻ sẽ tổ chức livestream đa nền tảng trên TikTok và các mạng xã hội khác.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, đơn vị khuyến nghị doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên nền tảng trực tuyến cần đúng thị trường, đúng khách hàng, đúng chất lượng giá cả và giá trị sản phẩm; ngoài ra nguồn gốc sản phẩm phải rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Hiệp hội sẽ kết nối cho doanh nghiệp, tổ chức để có nguồn nguyên liệu, giải pháp hợp lý. Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp cụ thể, phổ biến, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về bán hàng livestream cho cá nhân, tổ chức. Trong tháng 7 tới, hiệp hội sẽ khánh thành trung tâm livestream hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng để bán hàng hộ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán hàng qua livestream: Giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.