Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán hàng đa cấp: Vẫn còn những chiêu lách luật

Đặng Loan| 27/02/2010 07:58

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh này cũng đã có trong nhiều năm qua, thế nhưng loại hình kinh doanh này liên tục biến tướng, gây khó khăn cho công tác quản lý và thiệt hại cho chính người tham gia.

Sản phẩm được tư vấn là có thể hỗ trợ chữa bệnh của Công ty TNHH Thương mại Yahgo Việt Nam.


Đủ kiểu vi phạm!

Ông Trần Vinh Nhung, Phó GĐ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 22 doanh nghiệp (DN) hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) do Sở cấp phép và 12 chi nhánh của DN được cấp phép ở địa phương khác. Từ năm 2005, khi Chính phủ ban hành Nghị định 110 về BHĐC thì hoạt động này đã đi dần vào ổn định. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý phương thức kinh doanh này vẫn rất khó khăn do nhiều công ty lợi dụng các kẽ hở quản lý chuyển sang mô hình kinh doanh đa cấp bất chính. Hình thức thường thấy của các công ty BHĐC bất chính là kinh doanh các loại thực phẩm chức năng, thiết bị trị liệu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài rất khó phân biệt với thuốc chữa bệnh, rồi quảng cáo gây cho người tiêu dùng ngộ nhận là thuốc chữa bệnh, hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm để bán với giá… trên trời!

Thanh tra Sở Công thương cho biết, qua kiểm tra các DN BHĐC thì hầu hết đều có vi phạm. Năm 2009, Sở đã thu hồi giấy phép BHĐC của 6 DN. Tuy nhiên, công tác quản lý không hề dễ dàng và việc ngăn chặn các hành vi BHĐC bất chính không phải lúc nào cũng kịp thời. Lý do là Sở chỉ có thể xử phạt các sai phạm về kinh doanh hàng hóa thông thường như nhãn mác, hàng gian, hàng giả… còn hành vi BHĐC bất chính thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT). Việc các DN được cấp phép BHĐC ở các địa phương khác mở chi nhánh trên địa bàn thành phố cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Điển hình là Chi nhánh Công ty TNHH TM Yahgo Việt Nam ở quận 6 (trụ sở chính tại Hà Nội). Trong năm 2008 và 2009, chi nhánh này đã nhiều lần bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản về hành vi quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng tác dụng của sản phẩm để bán giá cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt thì họ vẫn tiếp tục hoạt động và… vi phạm. Lần gần đây nhất, khi phát hiện đến 14 lỗi vi phạm, đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở KH-ĐT rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, về hành vi BHĐC bất chính, Sở không thể xử phạt được mà chỉ báo cáo và kiến nghị Cục QLCT điều tra xử lý tiếp.

Nạn nhân có thể tự bảo vệ mình
Tại buổi hội thảo về BHĐC gần đây, đại diện của Cục QLCT cũng thừa nhận phương thức kinh doanh này còn mới nên các quy định, nghị định về quản lý chưa hoàn chỉnh, chưa thể điều chỉnh hết những hành vi gian lận của BHĐC. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể tự bảo vệ được mình nếu lưu ý đến các kiến thức về BHĐC đã được quy định trong luật. Nạn nhân của BHĐC thường là những thành viên trong mạng lưới bán hàng của chính công ty. Trong khi đó, để bảo vệ người tham gia bán hàng, nghị định đã quy định rõ là "cấm DN yêu cầu phải đặt cọc hay phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để trở thành thành viên. Người tham gia mạng lưới cũng được phép trả lại hàng hóa khi chấm dứt hợp đồng trong vòng 30 ngày".

Tuy quy định có vẻ đầy đủ và kín kẽ, nhưng trên thực tế, việc xử lý các hành vi BHĐC bất chính không hề đơn giản. Lý do là muốn xử lý thì phải có chứng cứ. Tuy nhiên, rất khó có thể "bắt tận tay" bởi người tham gia mạng lưới, bởi những "nhân chứng" chính hiếm khi hợp tác với cơ quan chức năng vì tin vào những "chiêu" quảng cáo về lợi nhuận của các công ty BHĐC bất chính. Chẳng hạn, luật cấm DN, người tham gia mạng lưới phải mua hàng hóa "đặt cọc", để "lách" điều này DN thường đưa ra hai lựa chọn: nếu không mua hàng hóa từ ban đầu thì chỉ được hưởng 5-10% chiết khấu hàng bán được; còn nếu "đặt cọc" hàng hóa ban đầu thì sẽ được hoa hồng cao hơn, được trở thành người quản lý… Những viễn cảnh thu nhập "trong mơ" đã khiến nhiều người cố bỏ ra một khoản tiền lớn ban đầu để mua hàng tham gia mạng lưới và rơi vào vòng xoáy đa cấp bất chính.

BHĐC là một kênh phân phối giúp đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng mà không qua đại lý. Trong khi các cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, người tiêu dùng cần cân nhắc tìm hiểu về hàng hóa trước khi mua ở những kênh thông tin khác, để không phải tiền mất tật mang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán hàng đa cấp: Vẫn còn những chiêu lách luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.