(HNM) - Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như những nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều đang đứng trước nhiều thử thách mới.
Trong những ngày đầu năm mới, Seoul đã liên tiếp đề xuất đối thoại song phương ở nhiều cấp độ, cả cấp cao nhất song vẫn chưa nhận được hồi âm tích cực từ Bình Nhưỡng. Sở dĩ vậy là bên cạnh đưa ra những thông điệp sẵn sàng đàm phán để "tháo ngòi" căng thẳng, các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn vẫn tiếp diễn khiến Triều Tiên chưa hết hoài nghi.
Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn luôn thu hút sự chú ý trên bán đảo Triều Tiên. |
Cuộc tập trận hải quân chung Mỹ - Hàn Quốc tại bờ biển phía đông của Hàn Quốc trong ngày 13 và 14-1 vừa qua chỉ là một ví dụ cho thấy các bên liên quan vẫn chưa tìm được một "lối thoát" để có thể thỏa hiệp. Với lý do phải bảo vệ Hàn Quốc trước các thách thức an ninh khu vực, cuộc thao luyện với sự góp mặt của hai tàu khu trục lớp Aegis của Mỹ. Điểm nhấn của cuộc thao luyện hải quân này là tăng cường khả năng phối hợp phòng thủ và tiêu diệt đối thủ xâm phạm. Với Seoul, đây chỉ là một phần trong nội dung tập trận thường niên Hàn - Mỹ, nhưng Triều Tiên lập tức có phản ứng mạnh. Cùng với yêu cầu Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận, Bình Nhưỡng nhấn mạnh nếu Seoul thực sự muốn cải thiện quan hệ liên Triều thì phải chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng thử hạt nhân.
Thế nhưng, đề xuất của Triều Tiên đã bị Hàn Quốc và Mỹ khước từ khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng việc gắn hai vấn đề này với nhau là không thích hợp. Và Hàn Quốc cùng Mỹ đang lên kế hoạch cho cuộc tập trận chung mùa xuân thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" vào đầu tháng 3 tới. Đây là cuộc thao luyện "năng lực sẵn sàng chiến đấu chung" giữa quân đội hai nước. Thời gian tập trận phải lùi lại một tuần muộn hơn so với năm ngoái, khi dự kiến diễn ra từ 24-2 đến 6-3 - sau khi Seoul đề nghị tổ chức đoàn tụ cho các gia đình ly tán vào ngày 19-2. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok đã bác bỏ thông tin rằng cuộc tập trận bị trì hoãn nhằm tránh khiêu khích Triều Tiên. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung thường niên. Với khoảng 30.000 binh lính đang đồn trú tại Hàn Quốc, hàng năm Mỹ luôn tiến hành hàng loạt cuộc tập trận với các đồng minh tại Châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Các cuộc tập trận luôn châm ngòi căng thẳng giữa hai bên. Phía Mỹ và Hàn Quốc luôn khẳng định các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn là "minh bạch, chỉ nhằm mục đích phòng thủ"; đồng thời là "truyền thống" giữa quân đội hai nước trong suốt 40 năm qua. Thế nhưng, Triều Tiên lại cho rằng các cuộc tập trận là mối đe dọa an ninh, như một giả định chiến tranh chống Triều Tiên...
Trong một phát biểu mới nhất tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) vào cuối tuần này, Phó đại diện thường trực của Triều Tiên An Myong Hun khẳng định, các cuộc tập trận trên diện rộng, được tổ chức thường niên giữa liên quân Mỹ - Hàn là nguyên nhân gia tăng căng thẳng và làm dấy lên nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông A.M.Hun, các vòng đối thoại thực sự nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều sẽ không thể thành hiện thực trong "bầu không khí nguy hiểm này". Cáo buộc chính sách thù địch của Mỹ đã đẩy lùi triển vọng cải thiện các mối quan hệ liên Triều, ông A.M.Hun cho rằng, đề xuất do Triều Tiên đưa ra nhân dịp đầu năm 2015, kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng các cuộc tập trận chung là nhằm "đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, hạ nhiệt căng thẳng và xây dựng một bầu không khí hòa giải" trên bán đảo Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên vừa bước vào năm mới với hy vọng căng thẳng sẽ dần được tháo gỡ khi các bên liên quan đều đưa ra thiện chí đối thoại. Thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy chỉ những tuyên bố thiện chí không thôi là chưa đủ. Bước đi cụ thể và quan trọng hơn là sự nghi kỵ phải được xóa bỏ mới có thể giúp tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sớm tìm ra cửa mở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.