(HNM) - Một tuần sau khi cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên trong 6 năm qua giữa hai miền Triều Tiên dự kiến diễn ra tại thủ đô Seoul bị đổ vỡ, hy vọng nối lại tiến trình đàm phán nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên lại nhen nhóm
Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định một tương lai phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng kết quả các cuộc đối thoại vừa kết thúc đang mở ra hy vọng mới cho tiến trình đàm phán dai dẳng và bất ổn thời gian qua.
Đặc phái viên Glyn Davies (giữa) trong cuộc thảo luận với các người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc mới đây tại Washington. |
Trái với những tuyên bố cứng rắn khiến dư luận thế giới liên tưởng tới bóng đen của một cuộc xung đột, sự kiện Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên chủ động đưa ra đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ nhằm thảo luận chương trình vũ khí hạt nhân cũng như giảm thiểu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên được thế giới ghi nhận. Quyết tâm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình - trong đó có cả việc trở lại bàn đàm phán sáu bên vốn bị đình trệ từ năm 2008 đến nay - vừa được Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan khẳng định tại cuộc hội đàm chiến lược với người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Nghiệp Toại. Khẳng định phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là "nguyện vọng thiết tha" của nhiều thế hệ lãnh đạo nước này, nhà đàm phán kỳ cựu về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhấn mạnh, Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên cũng như tham dự các cuộc thương lượng nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân.
Nếu so với những động thái vừa diễn ra trong vòng vài tháng trở lại đây khi Triều Tiên từng nhắc đến một cuộc tấn công hạt nhân với Mỹ, cắt đứt các cơ chế liên lạc và hợp tác với Hàn Quốc... thì đề xuất đối thoại mới nhất của Bình Nhưỡng được xem là động lực mới giúp khai thông bế tắc trong đàm phán sáu bên hiện nay. Tuy nhiên, từ thực tế của sự đan xen giữa tình trạng căng thẳng và hòa hoãn kéo dài suốt thời gian qua của mối quan hệ liên Triều cũng như với Mỹ, Washington tỏ ra khá điềm tĩnh với những diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn nhìn thấy những hành động thiết thực nhằm thể hiện thiện chí từ Bình Nhưỡng hơn là sự chuyển hướng bằng lời nói. Cuộc thảo luận mới nhất tại Washington giữa đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng đã nhất trí để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, nếu nước này thực hiện các bước đi có ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa. Trong cuộc gặp gỡ này, ba nước một lần nữa tái khẳng định cam kết với Tuyên bố chung của cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên ngày 19-9-2005, mà mục tiêu cốt lõi là phi hạt nhân hóa bán đảo này một cách hòa bình và có thể kiểm chứng.
Cánh cửa đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên dường như đã hé mở. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một cuộc gặp gỡ sáu bên sắp diễn ra trong nay mai. Một mặt không ngừng hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán nhưng mặt khác, Mỹ - Nhật - Hàn trong cuộc thảo luận ba bên mới đây cũng đưa ra điều kiện với Bình Nhưỡng. Trong đó, ba đối tác của đàm phán sáu bên coi việc Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cải thiện quan hệ liên Triều và giải quyết việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào những năm 70-80 của thế kỷ trước… là những việc cần thực hiện để kéo họ trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, dù đồng ý nối lại tiến trình thảo luận về chương trình hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn yêu cầu Washington không được đặt ra các điều kiện tiên quyết và nội dung đàm phán không chỉ về vấn đề giải trừ hạt nhân mà cần phải thảo luận bao quát về tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Đến lúc này, sự hạ nhiệt của điểm nóng Triều Tiên đã được thấy rõ. Thế nhưng, những tiêu chuẩn mà các bên áp đặt lẫn nhau để có thể hướng tới đối thoại dường như vẫn chưa thay đổi là bao. Điều đó cho thấy rằng, việc tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên dù đã có những chỉ dấu lạc quan hơn nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn khi các bên vẫn thiếu sự tin tưởng cần thiết về những ý định thực sự của nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.