(HNMO) – Sáng 26-4, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và 72 năm Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội...
Cùng dự có các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh. Bá Hoạt |
Theo báo cáo của Ban Dân tộc TP Hà Nội, trong những năm qua, việc triển khai tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của thành phố đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Tập thể cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành với phương châm sâu sát, cụ thể, quyết liệt; đã bám sát và chỉ đạo kịp thời, đầy đủ việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của trung ương và thành phố về công tác dân tộc thông qua việc xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác, chương trình hành động cụ thể. Việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm cao (13%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, bình quân giảm trên 3%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, thu nhập tăng nhanh, bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, được tập trung đầu tư; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa, trên 60% kênh mương được kiên cố hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa, 100% thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới internet, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; đã có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện vùng dân tộc, miền núi của thành phố có 100/153 thôn đạt danh hiệu văn hóa, 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Các cơ sở giáo dục và trường học được nâng cấp khang trang với 33/62 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tình hình an ninh trật tự vùng dân tộc, miền núi ổn định; các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc...
Lựa chọn mô hình phù hợp, thực hiện toàn diện công tác dân tộc
Tại buổi lễ, các đại biểu đã tham luận các nội dung về giảm nghèo và thực hiện toàn diện công tác dân tộc.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã phát biểu, đánh giá cao kết quả thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội; và khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp quan trọng, qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí đề nghị thành phố tiếp tục lựa chọn, thực hiện mô hình phù hợp để khu vực dân tộc phát triển toàn diện, qua đó sẽ rút kinh nghiệm để các tỉnh, thành phố khác học tập, làm theo...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, những năm qua thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại khu vực dân tộc, miền núi. Thành phố cũng luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội và dành nguồn lực hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục... khu vực này. Qua đó, đời sống người dân vùng dân tộc đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.
Chỉ rõ những mặt hạn chế trong công tác dân tộc như: Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là giao thông, nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tuy giảm nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao; việc đào tạo nghề, bố trí việc làm cho sinh viên là người dân tộc còn hạn chế; an ninh nông thôn tiềm ẩn phức tạp..., đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ cán bộ chủ chốt tại khu vực này. Đồng chí cũng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào khu vực dân tộc miền núi nhằm tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho bà con...
Dịp này, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban Dân tộc, UBND TP Hà Nội, Ban Dân tộc TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.