(HNM) - Sáng 1-8, Thủy điện Ia Krel 2 (nằm trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tiếp tục bị sự cố gây thiệt hại lớn về môi trường, tài sản của người dân. Theo UBND huyện Đức Cơ, đã có 27 dãy chòi bị trôi, 400ha hoa màu bị ngập, bao gồm hàng chục héc ta canh tác mất trắng.
Sự cố liên quan thủy điện - với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau và còn gây nhiều tranh cãi - xảy ra không chỉ với Ia Krel 2.
Sáng 6-8, Bộ Công thương tổ chức hội nghị báo cáo giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Đại diện một số địa phương đã nêu rõ lo ngại về tình trạng liên tục xảy ra sự cố thủy điện thời gian gần đây và khẳng định rằng một trong những nguyên nhân là năng lực chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu, thậm chí chưa hề có kinh nghiệm làm thủy điện. Hết sức đáng lo ngại là chính người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận điều này. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn "coi trời bằng vung" khi tự ý điều chỉnh quy mô, thiết kế, thông số kỹ thuật mà không hề báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Bức tranh toàn cảnh về hoạt động đầu tư - xây dựng, vận hành công trình thủy điện có nhiều mảng tối. Ở đây, có sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của chủ đầu tư nhưng cơ quan quản lý - bao gồm cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn và chính quyền địa phương không thể thoái thác trách nhiệm. Trong khi chủ đầu tư - với mục tiêu kinh tế - luôn đặt lợi nhuận lên cao nhất, sẵn sàng phớt lờ mọi hậu quả, bất chấp mọi quy định quản lý nhà nước thì chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn buông lỏng công tác quản lý. Đặc biệt, nhiều chuyên gia, người dân từng lên tiếng về dấu hiệu thông đồng, tiếp tay, "lợi ích nhóm" đằng sau những sai phạm lộ liễu của chủ đầu tư. Trở lại vụ Ia Krel 2, thủy điện này bị vỡ đập lần đầu tiên hồi tháng 6-2013. Tháng 5-2014, dù chưa được cơ quan chức năng cho phép, chủ đầu tư đã tái khởi động dự án. Cũng tại hội nghị nêu trên, theo UBND tỉnh Gia Lai, chủ đầu tư Ia Krel 2 không có hiểu biết về chuyên môn.
Hoạt động đầu tư xây dựng, vận hành công trình thủy điện đã và đang cho thấy rất nhiều bất cập. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt bất cập cũng như hậu quả của việc phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, đấy là: Hàng nghìn hộ dân với hàng trăm nghìn nhân khẩu phải tái định cư; hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị tác động tiêu cực; tình trạng nghèo đói xảy ra với người trong vùng chịu ảnh hưởng; tái trồng rừng hậu thủy điện chỉ đạt 3,7%... Đặc biệt, yếu tố văn hóa đặc sắc nhiều nơi đã biến mất. Cũng tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết về tình trạng "loạn thủy điện" khi từ năm 2006 trở đi, các địa phương được toàn quyền "định đoạt" thủy điện nhỏ.
Thái độ của chủ đầu tư trong xây dựng thủy điện như thế nào đã rõ, chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như thế nào đã rõ; cái lợi trước mắt của thủy điện - suất đầu tư nhỏ - và hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của thủy điện như thế nào cũng đã rõ. Như vậy, vấn đề ở đây không còn là chỉ "nâng cao trách nhiệm, siết chặt quản lý" hoạt động đầu tư xây dựng, vận hành công trình thủy điện. Vấn đề quan trọng hơn, lâu dài hơn và cũng cấp thiết hơn là thay đổi tư duy về thủy điện, đấy là không phát triển ồ ạt, bằng mọi giá...
Tuy nhiên, không phải không có cái vướng là trong điều kiện kinh tế, đặc biệt là với trình độ khoa học - công nghệ hiện nay, chúng ta tìm đâu ra nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là cách khai thác những nguồn năng lượng bền vững hơn như phong điện, địa nhiệt…? Đây mới là bài toán hóc búa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.