Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Vang vọng ký ức hào hùng

Phong Điệp 16/08/2024 05:38

Trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, có đóng góp không nhỏ của những người con Hà Nội.

Trong không khí náo nức chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi tìm đến nhà Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp…

1. Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp (sinh năm 1936) nguyên là diễn viên đội văn công Đại đoàn 308 Quân tiên phong. Dù đã gần bước sang tuổi 90, nhưng bà vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nhiệt huyết, tác phong nhanh nhẹn.

co-van-cong-ngoc-diep-o-giua-cung-cac-dong-doi-nhung-ngay-dau-tro-ve-thu-do.jpg
Cô văn công Ngọc Diệp (ở giữa) cùng các đồng đội những ngày đầu trở về Thủ đô. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngược dòng thời gian về năm 1945, khi bà Ngọc Diệp đang sống cùng bố mẹ tại nhà số 86 Mã Mây, Hà Nội. Những ngày tháng Tám lịch sử ấy đã để lại ký ức sâu đậm trong tâm trí bà: “Từ trên gác nhìn xuống, tôi ngỡ ngàng và vô cùng ấn tượng trước quang cảnh đường phố rợp cờ hoa. Rất nhiều người mặc áo nâu và họ hô vang: “Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Cách mạng Tháng Tám muôn năm!”. Không khí đông vui náo nhiệt chưa từng có. Khi đó tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu cách mạng là gì nhưng thấy người lớn hô mình cũng hô theo, rất hào hứng”.

Người dân Việt Nam tận hưởng niềm vui đất nước độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở mặt, lộ rõ dã tâm xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Hà Nội sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Gia đình Ngọc Diệp bắt đầu có những xáo trộn. Anh cả xung phong vào đội tự vệ, ở lại bảo vệ Thủ đô. Còn cha mẹ hối hả thu xếp hành lý đưa các con lên chiến khu.

co-van-cong-ngoc-diep-o-giua-va-cac-dong-doi-xuat-hien-tren-bao-phap.jpg
Cô văn công Ngọc Diệp (ngoài cùng bên phải) và các đồng đội xuất hiện trên báo L'Humanité, Pháp. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cuộc tản cư của người Hà Nội diễn ra đúng mùa đông giá buốt. Dòng người lặng lẽ di chuyển trong đêm, giữa tiếng bom đạn đì đùng. Sau những bữa ăn nấu vội bên đường, đoàn người lại mải miết đi. May mắn khi đến địa điểm tản cư ở Hạ Hòa (Phú Thọ), một người địa phương tốt bụng đã nhường lại ngôi nhà đang ở cho gia đình Ngọc Diệp để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Những ngày tháng gian nan ấy, Ngọc Diệp luôn khắc ghi hình dáng tảo tần của người mẹ. Vốn là con gái Hà thành, không quen việc nặng nhọc nhưng mẹ cô đã nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh mới, cần mẫn lo toan, vun vén cho gia đình, nuôi các con khôn lớn.

2. “Trang đời mới” của Ngọc Diệp thực sự bắt đầu vào năm 1951, khi cô tròn 15 tuổi. Người anh cả là chiến sĩ của Đại đoàn 308, nhân dịp về thăm nhà thấy Ngọc Diệp có tố chất văn nghệ bèn rủ em tham gia đội văn công của đơn vị.

Bà Ngọc Diệp bồi hồi nhớ lại: “Trước ngày tôi lên đường, hai mẹ con bịn rịn lắm. Mẹ dặn đi dặn lại con gái vào bộ đội phải theo quân lệnh, sống có phép tắc, nền nếp”.

Trước câu hỏi của tôi rằng bà đã chuẩn bị những gì trước khi trở thành một người lính, bà Ngọc Diệp tâm sự: “Tôi đón nhận mọi thứ đến với mình một cách nhẹ nhàng. Tôi nhập cuộc rất nhanh vào không khí của cách mạng. Khi đó chúng tôi không ai bảo ai đều tự ý thức rằng kháng chiến là yêu nước”.

ba-ngoc-diep-bang-khuang-truoc-nhung-tam-anh-ky-niem-da-ua-mau.jpg
Bà Ngọc Diệp bâng khuâng trước những tấm ảnh kỷ niệm đã úa màu. (Ảnh: Phong Điệp)

Việc hằng ngày phải thức dậy từ 4h để ra thao trường, bất kể ngày đông rét buốt hay nắng nóng nung người, vốn không dễ dàng ngay cả với người trưởng thành, nhưng Ngọc Diệp đã quyết tâm làm bằng được. Cô ý thức sâu sắc rằng làm văn nghệ cũng như một binh chủng, do đó đội văn công cần phải lăn lộn cùng bộ đội ngoài thực địa, tận mắt quan sát, thấm những vất vả, nhọc nhằn của các chiến sĩ thì khi biểu diễn mới thực sự thuyết phục, mới truyền được cảm hứng. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng người lính văn công mang tiếng đàn, giọng hát phục vụ đồng đội nơi chiến trường khói lửa chính là nguồn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho các chiến sĩ.

Bà Ngọc Diệp có vinh dự trải qua hai chiến dịch lớn là chiến dịch Hòa Bình và chiến dịch Trần Đình (chiến dịch Điện Biên Phủ). Theo bà, ai từng trải qua “mùa chiến dịch” sẽ không thể nào quên chuỗi ngày hành quân ròng rã đầy khó khăn, thử thách. Đi xuyên rừng suốt đêm nhưng khi vừa đến địa điểm tập kết, đơn vị lập tức triển khai đào hầm tăng xê (hầm trú ẩn), xong xuôi mới tập hợp lại để dàn dựng, luyện tập tiết mục. Đến trưa, anh em tranh thủ nghỉ ngơi, chia nhau vắt cơm ăn kèm với mắm kem (mắm chưng cô đặc lại, lấy đũa quệt vào cơm). Bữa nào sang thì mới có cá kho. Rau xanh thì nhờ anh nuôi vào rừng kiếm để cải thiện bữa ăn.

Không chỉ làm nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ, đội văn công còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần sát ngày tổng phản công, bà Diệp và một đồng đội được giao làm lá quân kỳ "Quyết chiến, quyết thắng". Nhớ lại ký ức hào hùng ấy, bà Diệp rưng rưng: “Tôi tự hào vì tuổi thanh xuân đã cống hiến cho chiến trường, tiếp lửa tinh thần cho bộ đội, tất cả vì chiến thắng”.

Sau nhiều ngày háo hức chờ đợi, cuối tháng 10-1954, nữ văn công Ngọc Diệp và các đồng đội được trở về Hà Nội. Nhớ lại ngày đó, bà Ngọc Diệp bật cười: “Suốt bao năm ở rừng, nay được trở về Thủ đô tôi thấy mình như thể người xa lạ, không biết phố nào với phố nào, nhìn đâu cũng thấy mới mẻ vô cùng”. Tuy vậy, Hà Nội trong góc nhìn của cô thiếu nữ 18 tuổi lúc này thật thi vị, lấp lánh và tràn đầy cảm xúc.

Nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của Ngọc Diệp lúc đó là được cùng đồng đội biểu diễn phục vụ nhân dân. Các đêm diễn hầu hết được tổ chức ngay cạnh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Bà con háo hức kéo đến xem rất đông, vây kín sân khấu. Trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân, anh chị em trong đoàn thống nhất gỡ hết cánh gà, phông hậu giúp bà con có thể ngồi từ bốn phía đều có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Tuy nhiên, khán giả đặc biệt nhất của bà Ngọc Diệp chính là mẹ mình. Mỗi cuối tuần, được sự cho phép của đơn vị, bà Ngọc Diệp lại rủ vài người bạn về nhà chơi và biểu diễn cho mẹ xem. Niềm vui của độc lập tự do, đoàn tụ gia đình bấy giờ gia đình bà mới được hưởng trọn vẹn.

3. Trong buổi chiều thênh thang nắng, ngồi trò chuyện cùng Trung tá Ngọc Diệp, trong tôi dâng lên một cảm giác thật kỳ lạ. Quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, lịch sử và đời thực…

Thật nhiều câu chuyện về Hà Nội, về số phận của những người dân Thủ đô như bà Ngọc Diệp đã trải qua suốt những năm tháng chung sức cùng cả nước kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Tất cả hiển hiện sống động như thước phim quay chậm trước mắt tôi. Những câu chuyện ấy rất cần được viết lại cho thế hệ con cháu hôm nay đọc để hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, tự hào về cha ông mình. Giản dị mà vĩ đại, như những câu thơ tràn đầy cảm xúc mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết trong bài thơ "Đất Nước":

“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”…

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Vang vọng ký ức hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.