Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Cầu Phùng - cây cầu nối hai bờ lịch sử

Đan Ngọc 16/08/2024 17:50

Nằm trên quốc lộ 32, tuyến đường quan trọng nối cửa ngõ Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc, cầu Phùng đã cùng người dân Kẻ Phùng, Kẻ Hiệp trải qua biết bao thăng trầm lịch sử từ thời kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, Mỹ.

cau-phung.jpg
Cầu Phùng. Ảnh: Long Nguyễn

Cầu Phùng là cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy nối thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng quê tôi với xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Đứng từ trên cầu nhìn xuống sẽ thấy cánh đồng ngô cùng nương dâu bạt ngàn xanh mướt bên con sông hiền hòa. Ai từng đến Đan Phượng một lần hẳn đều đã ghé qua cầu Phùng để chiêm ngưỡng cảnh làng quê thanh bình ấy và chụp ảnh “check-in” ở tượng đài Phụ nữ “Ba đảm đang” tại trung tâm thị trấn, ngay bên chân cầu.

Đợt vừa rồi, tôi từ miền Nam bay ra Hà Nội thăm nhà. Vào một buổi chiều gió mát, tôi thong thả ngồi dưới nhà nghe bố - một cựu chiến binh, kể chuyện lịch sử Đan Phượng trong hai cuộc kháng chiến oai hùng và những câu chuyện gắn liền với cầu Phùng, sông Đáy.

Qua lời bố kể tôi mới biết hóa ra đập Phùng quê tôi là công trình phân lũ sông Đáy do thực dân Pháp xây dựng nhằm điều tiết nước cho Hà Nội mỗi khi lũ lớn trên sông Đáy dâng cao. Đây là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên cũng trở thành mục tiêu bắn phá trọng điểm của đế quốc Mỹ trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân với âm mưu phá hủy đập nhằm gây úng lụt cho Thủ đô cùng các tỉnh lân cận và phá hoạt động sản xuất nông nghiệp để miền Bắc giảm sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Quân dân địa phương đã cùng các đơn vị chủ lực chiến đấu anh dũng chống trả máy bay Mỹ trong 43 trận, bảo vệ an toàn tuyệt đối đập Phùng. Các trận địa bắn máy bay địch và các chòi quan sát đã được bố trí ở thị trấn Phùng. Lực lượng đánh trả không quân Mỹ có dân quân tự vệ các xã phối hợp với các đơn vị tên lửa, pháo cao xạ của bộ đội chủ lực. Các cụm chiến đấu liên hoàn được bổ sung trận địa tên lửa và thường xuyên có người trực chiến. Dân quân cũng cắt cử lực lượng ngày đêm bảo vệ đập. Tất cả đều giương cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu.

Vào một ngày cuối tháng 4 năm 1967, từng tốp máy bay Mỹ điên cuồng dội bom nhằm phá hoại đập Đáy. Các chiến sĩ dân quân cùng bộ đội phòng không đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ an toàn đập. Trong trận chiến ác liệt đó, 9 đồng chí dân quân tuổi từ 17 đến 32 đã anh dũng hy sinh và được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công, Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tây (cũ) tặng Huy hiệu "Chiến thắng 5-8” và truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đập Phùng”.

Cũng quan trọng như đập Phùng, cầu Phùng ngày đó dù không kiên cố, vững chắc như bây giờ nhưng lại thuộc tuyến đường quan trọng vận chuyển lương thực. Trong thời kỳ chống Mỹ, cây cầu đã bị đánh sập. Từ đó, dân làng muốn sang sông phải đi qua đường tạm dưới mạn đập nước. Vào mùa mưa lũ, có khi nước dâng lên qua đập, ngập trắng xóa con đường, tràn cả vào bên trong làng xóm. Khi ấy, phương tiện di chuyển duy nhất của dân Kẻ Hiệp là đò. Đặc biệt vào những ngày có phiên chợ Hiệp - chợ quần áo đầu mối đầu tiên ở xứ Đoài, thuyền bè chở người chở hàng ra vào tấp nập. Kể từ khi cầu Phùng không còn, người dân hai bên sông phải sống cảnh trên bến dưới thuyền suốt mấy mươi năm.

Năm 2008, dự án xây dựng lại cầu Phùng được khởi công. Sau hai năm xây dựng, cây cầu đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thỏa ước mong cháy bỏng của người dân sống hai bên bờ sông Đáy, cũng như người dân Sơn Tây, Phú Thọ. Từ khi có cầu mới, các đoàn xe chở hàng và chở khách tiết kiệm được quãng đường vòng qua đường ngầm Phùng dài khoảng hai cây số. Một phần con đường 32 cũ bị cắt để nối thẳng vào đại lộ mới. Thị trấn Phùng cũng nhờ thế mà trở nên khang trang, hiện đại hơn.

Tôi nhớ mãi Tết Nguyên đán năm đó, sau khi cầu Phùng được chính thức đưa vào sử dụng, điểm bắn pháo hoa đón giao thừa của huyện đặt ở tượng đài Phụ nữ “Ba đảm đang”. Từ 8-9 giờ tối ngày 30 Tết, thanh niên chúng tôi đã rủ nhau tụ tập trên cầu Phùng để chờ xem pháo hoa. Nhìn từ xa, cây cầu như tấm lụa mềm mại vắt qua hai bên sông. Tấm lụa ấy trong đêm cuối năm lại càng rực rỡ bởi những dây đèn trang trí sáng lung linh. Dọc hai bên vỉa hè đông nghịt từng tốp người nói cười cùng đứng đợi khoảnh khắc chuyển giao sang năm mới. Đứng trên cầu, giữa những khuôn mặt thân quen từ thuở học sinh, gió se se lạnh thổi tóc tôi bay phấp phới mà lòng thấy ấm áp, vui sướng lạ kỳ. Bên dưới cầu là dòng sông Đáy vẫn đang lặng lẽ chảy quanh những cánh đồng ngô và nương dâu bát ngát, nuôi sống bao mái nhà và bao con người.

Thấm thoắt 14 năm đã trôi qua kể từ ngày cây cầu được xây mới. Mỗi lần tôi trở về Phùng đều đứng từ xa ngắm tượng đài và ngắm cây cầu đã nhuốm màu thời gian. Thế nhưng lần này, cảm xúc của tôi thật bồi hồi khi nghĩ về những thăng trầm lịch sử mà cây cầu đã trải qua. Cùng với những người con đất Đan Phượng anh dũng, cây cầu đã hy sinh “thân mình” để góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho đất nước. Cầu Phùng mới là sự tiếp nối của cây cầu nhỏ năm xưa, cũng như người dân Đan Phượng bây giờ vẫn không ngừng tiếp nối dòng chảy ý chí anh hùng cách mạng, phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, hiện đại, văn minh và đáng sống.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Cầu Phùng - cây cầu nối hai bờ lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.