Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Tìm về miền ký ức

Trần Công Huyền 30/05/2024 07:09

Không khí phấn chấn, hào hùng của Hà Nội hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô như thúc giục chúng tôi tìm về Mê Linh, vùng đất một thời gắn bó cả tuổi thanh xuân.

Năm 1972, tôi là chiến sĩ thông tin của Đại đội 1, Trung đoàn pháo phòng không 220. Đơn vị tôi đóng quân ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc thành phố Hà Nội) để bảo vệ trận địa Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn phòng không 361, nơi cựu chiến binh Đỗ Đình Tân - một trong những người đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này - từng là trắc thủ phương vị kíp chiến đấu.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, những trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa năm xưa đã thành khu công nghiệp, chung cư cao tầng và bạt ngàn những ruộng hoa khoe sắc. Những cánh đồng hoa rực rỡ đưa chúng tôi trở về ký ức những ngày tháng 12-1972, thời điểm nhân dân miền Bắc chuẩn bị đón Xuân Quý Sửu 1973 thì đế quốc Mỹ đem cái "văn minh hủy diệt" phủ lên mặt đất Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành miền Bắc khác. Bom đạn như tạo thành chảo lửa khổng lồ úp lên mảnh đất này. Quân dân ta kiên cường chiến đấu chống trả lũ "giặc trời". Những vệt đạn lửa tầng tầng lớp lớp đan thành mạng lưới lửa, để rồi những "pháo đài bay" B52 trở thành "pháo đài lửa" lao xuống mặt đất. Những chùm hoa lửa của chiến thắng năm xưa như thể đã hóa thành những chùm hoa Mê Linh rực rỡ hôm nay. Điều đó như biểu tượng cho sự diệu kỳ của hào khí ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.

tieu-doan-ten-lua-77-trong-chien-dich-12-ngay-dem-nam-1972.jpg
Tiểu đoàn tên lửa 77 trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 trở thành nỗi khiếp sợ của phi công Mỹ lái B52. Ảnh tư liệu

Trong lúc chờ dâng hương ở đền thờ Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Văn Thuyên, nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học, vỗ vai ông Đỗ Đình Tân: “Có phải đơn vị ông bắn rơi tại chỗ nhiều B52 nhất?”. Ông Tân trả lời ngay: “Đúng vậy!”.

Rồi ông Tân kể: “Trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh B52, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội đóng quân tại trận địa Chèm, có 2 kíp chiến đấu. Kíp chiến đấu số 1 gồm Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà, trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc và tôi là trắc thủ phương vị, đã chiến đấu liên tục trong 12 ngày đêm. Tiểu đoàn 77 bắn rơi 4 chiếc B52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn Quân chủng về thành tích bắn rơi tại chỗ B52”.

Ông Tân cho biết thêm, các đơn vị phòng không phấn đấu bắn rơi máy bay B52 tại chỗ là mục tiêu quan trọng nhất, có ý nghĩa đặc biệt. Vì bắn rơi tại chỗ B52 là sức mạnh cổ vũ và niềm tin vô cùng to lớn củng cố quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Bắn rơi tại chỗ còn làm cho những kẻ cho rằng B52 là “siêu pháo đài bay”, là “bất khả xâm phạm”, “không có vũ khí nào hạ được B52” phải tâm phục khẩu phục. Có bắn rơi tại chỗ mới bắt sống được giặc lái, tiêu hao sinh lực địch, mới buộc địch chịu thua.

dinhthevan3.jpg
Kíp chiến đấu bắn rơi B52 đầu tiên bằng phương pháp "vượt nửa góc"', từ phải sang: Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị), Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng), Nguyễn Văn Đức (sĩ quan điều khiển), Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà), Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh tư liệu/TTXVN

Nhưng, “B52 bị bắn rơi với tỷ lệ bao nhiêu thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”.

Trước câu hỏi bất ngờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi kiểm tra phương án tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân, cơ quan tham mưu của Quân chủng báo cáo: Nếu ta bắn rơi 1-2% trong tổng số B52 tham gia chiến dịch thì Mỹ chịu đựng được, nếu B52 bị bắn rơi với tỷ lệ 6-7% thì Nhà Trắng phải rung chuyển, còn nếu bắn rơi trên 10% thì buộc Mỹ thua cuộc.

Đại tướng nói thêm: “Thế Quân chủng nhận bắn rơi ở mức nào?”. Tất cả đồng thanh chọn mức 2 và phấn đấu đạt mức 3. Đại tướng nhắc thế thì phải chuẩn bị chiến đấu thật tốt.

Thực tế không quân Mỹ đã huy động 193/400 chiếc B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Và chúng ta đã bắn rơi 34 chiếc, tỷ lệ bắn rơi là 17,61%. Đó là tỷ lệ đạt mức 3!

fg.jpg
Bia ghi dấu địa điểm máy bay B52 bị Tiểu đoàn 77 bắn rơi tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Nguyễn Kiên

Một thành viên khác trong đoàn hỏi: “Nghe nói ta đã cải tiến tăng tầm tên lửa nên mới bắn rơi được B52, có đúng không?”. Ông Tân trả lời: “Công việc bảo quản, kiểm tra các chỉ số kỹ thuật của tên lửa được thực hiện hằng ngày. Các chỉ số kỹ thuật so với chỉ số thiết kế không thay đổi, trên thân đạn cũng không có dấu vết được nối dài hay được nhồi thêm thuốc phóng. Việc tăng tầm là không thể làm được”.

Người nêu câu hỏi trên tiếp tục đặt vấn đề: “Vậy yếu tố gì mà trên thế giới cho đến nay chỉ có nước ta bắn rơi nhiều máy bay B52?”.

Ông Tân vui vẻ đáp: “Để bắn rơi được B52 có rất nhiều yếu tố, nhưng có 3 yếu tố mà chúng tôi buộc phải làm tốt trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và thực hành chiến đấu. Thứ nhất là bố trí đội hình hỏa lực, đây là công tác quan trọng của cơ quan tham mưu. Đội hình chiến đấu phải tạo thành lưới lửa đón lõng chờ mục tiêu bay vào để đánh. Thứ hai là tìm và thực hành phương pháp đánh. Qua nhiều cuộc thảo luận và kinh nghiệm từ các trận chiến đấu đã tổng kết thành hai phương pháp đánh cơ bản là “đánh trước nửa góc” và “đánh theo phương pháp 3 điểm”. Đây là cẩm nang để bộ đội luyện tập hằng ngày. Và thứ ba là rèn luyện cho kíp trắc thủ kỹ năng tìm và bắt mục tiêu trong nhiễu, dựa trên đặc tính hoạt động của B52, như khi ném bom xong thì quặt 90 độ bay ra, lúc này màn nhiễu không che hết máy bay. Khi B52 ném bom xong thì các máy bay chiến thuật hỗ trợ phát nhiễu cũng hết nhiệm vụ, màn nhiễu mỏng đi, lúc này mục tiêu dễ lộ diện”.

phongsuanh-1.jpg
Vùng hoa xã Mê Linh (huyện Mê Linh), biểu hiện của sức sống mới trên vùng đất năm xưa đã diễn ra cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh: Quang Thái

Một thành viên trong đoàn hỏi: “Hình như lúc đó bộ đội ta đã cải tiến ra đa để bắt B52?”. Ông Vũ Ngọc An thay lời ông Tân chia sẻ: "Đúng thế. Ta có dùng ra đa K8-60, loại này dùng cho pháo cao xạ, để bắt B52, sau đó truyền tín hiệu cho ra đa của tên lửa để tiêu diệt B52. Nhưng đến thời điểm đánh B52 tháng 12-1972 ta mới làm được 2 bộ. Nên việc vạch nhiễu tìm B52 vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng của trắc thủ. Trong khi B52 lẫn trong màn nhiễu dày đặc, máy bay chiến thuật hàng đàn chế áp các trận địa, chỉ cần sóng ra đa ở trận địa tên lửa phát lên là mục tiêu để chúng tiêu diệt. Nhưng bộ đội đã dám phát sóng, dám đánh và quyết đánh, quyết tìm B52 trong màn nhiễu và quyết bám chắc B52 để tiêu diệt. Bình tĩnh, mưu trí, phát sóng đúng thời điểm là một thử thách không phải ai cũng dám làm và làm được. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm, mưu trí của người chỉ huy, của sĩ quan điều khiển và cả kíp trắc thủ. Trước hết đó là trách nhiệm với đơn vị, với nhân dân Thủ đô, và hơn nữa là trách nhiệm đối với Tổ quốc".

Tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ và Giải phóng Thủ đô đã được đem vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt.

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng được viết trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, anh hùng, để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin cho mỗi người, để tinh thần “chiến sĩ Điện Biên”, “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” được trao gửi cho thế hệ sau, để Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình đẹp mãi những mùa hoa.

logo-dien-tu2-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Tìm về miền ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.