Giao thông

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Quốc lộ 32 - cung đường mang tên “Trưởng thành”

Đan Ngọc 26/05/2024 - 06:14

Ngày còn nhỏ, tôi đâu biết rằng quốc lộ 32 là tuyến đường giao thông chính đi qua bốn tỉnh và thành phố bao gồm Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái và Lai Châu.

Trong mắt con bé nhà quê như tôi hồi ấy, đây là con đường có thể dẫn tôi tới một chân trời mới - Thủ đô Hà Nội phồn hoa, rực rỡ.

Chỗ tôi ở là Đan Phượng, một huyện ngoại thành thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Chỉ cách hơn chục cây số nhưng ngày đó, Hà Nội và người sống ở Hà Nội với những đứa trẻ quê tôi như một thế giới khác.

z5458535583644_72d2413e26c73f0144c43abdda307b64.jpg
Quốc lộ 32 đã trở thành tuyến đường rộng, đẹp, khang trang, hiện đại. Ảnh: Nhật Nam

Tôi nhớ vào một sớm mùa hè, mẹ cùng hai thím chở chúng tôi ra thăm nhà họ hàng ở Cầu Giấy bằng xe đạp. Suốt quãng đường, mẹ liên tục phải ngoái đầu lại để chắc chắn rằng tôi không ngủ gật phía sau. Con đường ngày ấy nhỏ chưa bằng một nửa con đường hiện tại, gồ ghề sỏi đá, nhà cửa hai bên đường thưa thớt, vắng vẻ. Con đường như con trăn khổng lồ bò ngang qua chia cánh đồng thành hai nửa mà nửa nào cũng mênh mông như vô tận. Lúa sắp vào vụ có đoạn xanh rì lại có đoạn đương ngả dần sang màu của nắng. Nhìn cánh đồng chuyển màu theo những vòng xe của mẹ, tôi thấy thú vị vô cùng. Tôi thích thú dang hai tay đón gió và hít căng lồng ngực mùi lúa thoang thoảng, mùi bùn ngai ngái phảng phất xung quanh.

Trường cấp hai và cấp ba của tôi đều nằm trên quốc lộ 32. Con đường từ đó đã trở thành người bạn quen thuộc mỗi ngày đưa chân tôi đến trường. Ngày nào cũng đi trên con đường ấy, vậy mà tôi chưa bao giờ thấy chán hàng cây xanh bên đường và cánh đồng lúa ngút ngàn, dập dìu lượn sóng. Một ngày, tôi thấy người ta đào bới con đường lên, từng đoạn bị quây lại. Tôi nghe nói con đường sẽ được mở rộng và trải nhựa trơn mịn như đường trong thành phố. Cái giá cho sự đổi mới là những chuỗi ngày đêm dằng dặc con đường của tôi không được ngủ. Đêm đến, những rung chuyển ầm ầm như động đất từ phía quốc lộ vọng cả vào trong làng. Những hôm sau, con đường đất đỏ hiện ra. Màu đỏ bám vào người đi đường, phủ đầy tán cây, ngọn cỏ, nhuộm đỏ mọi phương tiện chạy trên nó.

Khi tôi học lớp 12, con đường vẫn chưa hoàn thành. Dù đã quen với đường đất đỏ bụi bặm, tôi vẫn sợ phải đi học vào những ngày mưa. Mưa xuống, con đường như dải bột nếp làm bánh gấc của mẹ được trộn trong nước, nhão nhoẹt, lầy lội, nhớp dính và trơn trượt. Suốt 3 năm cấp III, tôi và đám bạn mỗi ngày đều rủ nhau đi học trên con đường đất đỏ. Những rung động đầu đời cũng từ những chiếc xe đạp ấy mà ra. Tiếng nói cười, la hét của đám bạn át đi nhịp đập rộn ràng của con tim. Màu đất đỏ bụi tung trời che đi cái e thẹn của cặp má hồng lên trong nắng.

Sau khi trở thành sinh viên, chúng tôi chia tay nhau tản ra khắp nơi đi tìm ước mơ, hoài bão của riêng mình. Bạn bè học xa nhà nên phải ở trọ còn mình tôi học ở ngay Cầu Giấy nên mỗi ngày vẫn gắn bó trên cung đường quen thuộc. Không còn những người bạn thân đồng hành, tôi đã chọn con đường làm bạn.

Một thời gian sau, đoạn đường đất đỏ đã được trải nhựa bóng loáng, không còn là cơn ác mộng với tôi nữa. Thế nhưng, đoạn Lai Xá - Nhổn - Diễn lại bắt đầu vào giai đoạn thi công. Không chỉ có những ổ gà chi chít khắp nơi mà những “ổ voi” như giăng bẫy người đi đường vào mùa mưa, ngập lụt. Tôi nhớ như in trận lụt lịch sử năm 2008, con đường quen thuộc bỗng biến thành sông lớn. Tôi lò dò giữ tay ga ổn định và từ từ vượt qua những “ổ voi” nguy hiểm. Ngày ấy, tôi tự nhận mình chẳng khác nào “người lái đò sông Đà”. Dù người đi trước, đi sau, đi bên cạnh lần lượt bị chết máy xe hay lao xuống hố nước sâu thì tôi vẫn băng băng luồn lách. Bởi tôi quen thuộc con đường đến mức nhớ hết vị trí từng cái hố lớn nhỏ cũng như ông lão lái đò nhớ hết từng tảng đá chìm, từng đoạn xoáy khúc khuỷu.

Sau này ra trường, tôi đi xa khỏi Hà Nội. Con đường vẫn tiếp tục được cải tạo, sửa chữa từ đoạn này tới đoạn khác. Bẵng đi một thời gian, một lần trở về, tôi chợt nhận ra con đường mới đã kéo quê hương tôi đổi thay hoàn toàn. Con đường rộng thênh thang chẳng còn những ổ gà, ổ voi. Cánh đồng hai bên cũng nhường đất cho những chung cư cao tầng, những nhà phố tấp nập. Đèn điện sáng rực mỗi đêm về, đèn giao thông, những đường vạch phân cách, vỉa hè cho người đi bộ... Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn sau gần hai mươi năm kể từ ngày đầu con đường bắt đầu thi công. Đoạn quốc lộ 32 nối quê hương Đan Phượng của tôi với trung tâm Hà Nội đã trở mình thành một tuyến đường rộng, đẹp, khang trang; đặc biệt, đoạn từ Nhổn vào trung tâm Thủ đô đang hình thành một tuyến đường sắt đô thị hiện đại. Còn tôi giờ đây cũng đã trưởng thành, không còn là con bé ngồi sau xe đạp của mẹ trên con đường gồ ghề sỏi đá.

Giờ nghĩ lại thấy nhớ biết bao quãng thời gian ngày ngày đi về trên con đường năm xưa. Nếu con đường 32 của chúng tôi có linh hồn hẳn nó cũng có lúc như tôi lúc này, hoài nhớ về những ngày ăm ắp kỷ niệm ngọt ngào. Có lẽ, nó giống thầy cô của chúng tôi hơn, ôm ấp từng lứa học trò rồi nhìn chúng dần trưởng thành đi tới những con đường xa khắp nơi. Và nó sẽ mãi ở đó, như người thân, như gia đình dang tay chào đón chúng tôi mỗi bận trở về...

so-21-ban-chuan-9.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Quốc lộ 32 - cung đường mang tên “Trưởng thành”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.