Đời sống

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Thuở sông không tĩnh lặng

Thùy Linh 03/08/2024 10:14

Có một thuở sông Hồng không tĩnh lặng như bây giờ. Cái thuở độ hơn hai chục năm trước và trước nữa, nếu tôi nhớ không lầm, mỗi năm tầm cuối hạ đầu thu, lũ đến rồi đi, cuốn theo mọi thứ. Dòng nước đỏ hồng đục ngầu phù sa dâng lên cuồn cuộn, ngập ngụa từng ngóc ngách không gian an cư của bao nếp nhà “dân đất bãi”.

bai-nghia-dung-sh.jpg
Sông Hồng.

Nhà tôi ở bãi Nghĩa Dũng, nằm trong một ngõ nhỏ đoạn giữa dốc Tân Ấp và miếu Cô Trôi. Ngày nay, nơi này được quy hoạch thành những khu dân cư ngăn nắp, có trường học, bệnh viện, văn phòng... Nhưng trong ký ức những người con đất bãi có lẽ vẫn chưa quên vài chục năm về trước, mảnh đất này vốn là một bãi bồi ven sông tập hợp đủ loại tệ nạn và bần hàn. Sông Hồng - dòng sông dịu dàng mang phù sa tốt tươi tưới tắm cả một nền văn minh trù phú, đôi khi cũng dữ dội và khắc nghiệt nhấn chìm biết bao mái nhà xơ xác.

Sống chung với lũ lâu, người ta cũng gom nhặt được nhiều kinh nghiệm ứng phó với cơn cuồng nộ từ thiên nhiên. Cứ khi đàn kiến rủ nhau di cư theo những vết nứt men chân tường, khi mưa triền miên lênh láng mặt đường, tôi lại thấy nhà nhà hối hả cho những cuộc dịch chuyển của cả người và vật. Người tay xách nách mang dẫn vợ ẵm con lên phố tá túc cho qua mùa mưa lũ. Kẻ ở lại tất bật đưa hết của nả đáng giá lên những tầng gác cao. Người dân ngoài đê cứ thế đón những đợt mưa xối xả, tầm tã, ngập lụt mà mỗi năm có khi diễn ra tận đôi ba lần.

Ngày còn bé ngây ngô trẻ dại, tôi kỳ thực lại ngóng trông những đợt nước lên. Đứa trẻ thành phố nào biết đến thú vui tắm sông lội đồng, cũng nào thấu nỗi lo lắng của người lớn, chỉ thấy cảnh tượng nước lên thú vị xiết bao. Nước dâng cao, có khi cao tới ngang ngực người trưởng thành, thế là sân nhà bỗng hóa biển cả, và chân đê lắc mình thành bến tàu nhộn nhịp xuồng bè.

Chỉ với vài nghìn đồng, chị em tôi đã có thể thuê xuồng dạo một vòng quanh đất bãi, nhìn rêu rác lẫn với cá tôm bơi dưới làn nước màu nâu đỏ ì oạp vỗ mạn xuồng. Chúng tôi la cà trên những con sóng cho tới tận giờ cơm mới chịu chia tay.

Về đến nhà, chị tôi lớn giọng gọi với lên một câu. Người nhà nghe tiếng, vội thả xuống từ ban công tầng hai cái xô to hay thùng nhựa lớn có quai cầm buộc chắc sợi thừng dày. Chúng tôi lần lượt trèo vào rồi nép mình ngồi thu lu, chờ cha, chú kéo lên từng đứa, từng đứa. Bà tôi hay đùa, ngư dân người ta thu lưới đều là tôm là cá, còn nhà tôi, mỗi lần “buông câu” đều bắt được mấy bé heo béo mầm.

Rồi chẳng biết tự bao giờ, lũ thôi không còn giày xéo mảnh đất ven sông này nữa. Thảng hoặc, thành phố oằn mình chịu đựng một vài cơn mưa to khiến đường sá ngập lụt nhưng cảnh tượng thuyền bè ngược xuôi như chợ nổi miền Tây giữa lòng Thủ đô thì đã biệt tích từ lâu. Sông Hồng vẫn mênh mông, rộng lớn với đôi bờ bạt ngàn sắc xanh, với cánh chim chao nghiêng đầu sóng, với bóng mây rơi rớt đáy lòng. Sông vẫn hùng vĩ, tráng lệ, có chăng là đôi chút hiền hòa, bao dung hơn đối với người dân các bãi An Dương, Phúc Xá...

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua, biết bao mùa mưa nắng dãi dầu, biết bao lần bãi bể nương dâu. Dọc đường sông đi, bên lở bên bồi luân phiên thay đổi, nhưng đã xa rồi cái thuở người dân đất bãi phải chạy lũ, trốn lũ, trơ mắt thất thểu nhìn nhà cửa hoa màu tan tác dưới cơn thịnh nộ của lũ. Công của việc xây đắp đê điều, của quản lý quy hoạch, của bảo vệ môi trường... hay nói đúng hơn, công lao từ sự tài trí, bền bỉ cùng sức sáng tạo vô biên của con người trong cuộc chiến chế ngự lũ lụt nằm cả đó. Người ta đang từng bước thành công trên hành trình phòng lũ, chống lũ, trị lũ, bắt đầu với miền Bắc, rồi dần dần sẽ là miền Trung nơi thiên tai vẫn còn là vết thương chưa khép.

Tôi của hiện tại không còn là đứa trẻ ngóng trông lũ về mỗi năm để được thỏa sức vẫy vùng trong làn nước mặn mà phù sa cùng cát đá ngày xưa nữa. Theo dòng chảy cuộc đời, tôi rời đất bãi, chuyển về bên kia sông.

Ngày ngày ngược xuôi qua Long Biên, Chương Dương, ánh vào mắt tôi là những bình minh và hoàng hôn yên ả soi bóng trên mặt sông lấp lánh màu nâu non mỡ màng. Khúc sông ấy đôi khi phẳng lặng, lúc lại nhộn nhịp những tàu chở cát và thuyền khách, thuyền hàng. Dòng nước mặn mòi mặc đời mà trôi, cuốn đi xa mãi ký ức những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp và những đêm cả nhà trải chiếu cùng thiếp đi trong tiếng sóng dập dềnh những ngày lũ lên. Bao kỷ niệm một thuở ấu thơ tan vào dĩ vãng, những lạc hậu, nghèo nàn, tệ nạn từng một thời gắn chặt với vùng đất ngoài đê cũng theo sông mà chìm sâu quá khứ.

Lại một chiều hoàng hôn đỏ ối chân mây, dõi mắt nhìn theo ráng hồng khuất dần nơi mặt sông nuốt chửng mặt trời, tôi bỗng thấy thứ trừu tượng khó hình dung như dòng đời chắc cũng chỉ đến thế. Sông đưa phù sa, cá tôm và những con thuyền ngang qua từng bến bờ xa lạ, đời cũng cuốn ta tới những miền tương lai chưa hiểu, chưa biết. Đời người lắm thăng trầm, đời sông lúc tĩnh, lúc không. Cái thuở sông Hồng hung hăng, dữ dội đã lùi xa cũng như những gập ghềnh, trắc trở trong đời mỗi người rồi cũng có lúc đi qua. Người ta đạp gió rẽ sóng mà lên, dẫu không xuôi chèo mát mái nhưng chắc chắn có một ngày, làm chủ dòng chảy của mình sẽ chẳng còn là ước nguyện viển vông.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Thuở sông không tĩnh lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.