Đô thị

Để Bắc sông Hồng “cất cánh”

Bảo Hân thực hiện 19/07/2024 12:14

Trong định hướng phát triển không gian Thủ đô, trục cảnh quan sông Hồng cùng các mô hình chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, “thành phố trong thành phố” được nhắc đến nhiều với kỳ vọng tạo sự chuyển biến lớn cho diện mạo Hà Nội.

Dù là sự phân tích của chuyên gia hay ý kiến của người dân, tất cả đều chung mong mỏi vùng đất tiềm năng này sớm vượt thoát những khó khăn hiện tại, phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng):
Cần giải quyết nhiều “điểm nghẽn” để phát triển

phuong1.jpg

Triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2011 đến nay, khu vực phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn còn có những “điểm nghẽn”. Đó là các đồ án quy hoạch chuyên ngành được duyệt chưa đi vào thực tiễn; các dự án triển khai chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng. Dân số khu vực được khống chế thấp, chỉ tiêu đơn vị ở quá cao, hiệu quả sử dụng đất thấp, gây lãng phí nguồn lực, chưa đáp ứng được chủ trương phát triển lên quận.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị hiện đại; tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Hệ thống cầu kết nối 2 bên bờ sông Hồng chưa được đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là tắc trên cầu thường xuyên xảy ra nên khó thu hút người dân về sinh sống và làm việc...

Để giải quyết những “điểm nghẽn” trên, cần khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, hành lang xuyên Á (hành lang động lực Đông - Tây), xây dựng phía Bắc sông Hồng trở thành trung tâm kết nối toàn cầu. Khu vực này cần thu hút phát triển các trung tâm chức năng mới của nền kinh tế như dịch vụ quốc tế, sản xuất tiên tiến, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ... để hình thành các khu vực đô thị tập trung gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao.

Ngoài ra, cần phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm đường Vành đai 4, đường Võ Nguyên Giáp, trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Cổ Loa; phát triển theo mô hình khu đô thị tập trung cao tầng, hạn chế xây dựng thấp tầng, kết hợp hài hòa giữa xây dựng các khu đô thị mới, các khu vực dân cư hiện trạng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và xem xét thu hồi các dự án khu đô thị dân cư thấp tầng chậm triển khai.

Bên cạnh việc hình thành các trung tâm mới của đô thị, của khu vực và quốc tế, đây cũng là khu vực cần được bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử gắn với hoạt động du lịch; phát triển các khu vực nông nghiệp chất lượng cao gắn với khai thác du lịch và bảo vệ tuyệt đối hệ sinh thái rừng Sóc Sơn.

Ông Trịnh Quang Dũng, Trưởng phòng Sau quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội:
Đông Anh sẽ là hạt nhân của thành phố phía Bắc sông Hồng

dung2.jpg

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã định hướng khai thác cảnh quan, bảo đảm phát triển đô thị hai bên sông Hồng và tăng cường kết nối giao thông giữa bai bờ Bắc - Nam. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm một số cầu kết nối giữa khu vực Long Biên, Gia Lâm và Đông Anh. Bên cạnh đó, trục Nhật Tân - Nội Bài là trục kết nối lên khu vực sân bay Nội Bài, đi qua khu vực huyện Đông Anh. Tại đây sẽ tập trung phát triển những trung tâm tài chính - kinh tế, tạo động lực cho khu vực huyện Đông Anh dự kiến sẽ phát triển thành quận, sau này là hạt nhân của thành phố phía Bắc bao gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.

Về phát triển đô thị, đồ án dự kiến chia làm 5 vùng phát triển: Đô thị trung tâm; khu vực phía Đông gồm Long Biên, Gia Lâm; khu vực phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; khu vực phía Tây là đô thị Hòa Lạc và phía Nam là đô thị Phú Xuyên. Quan điểm này có sự khác biệt so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Cụ thể, trong khu vực phát triển đô thị sẽ có phần xây dựng đô thị và hành lang xanh, vành đai xanh.

Riêng với khu đô thị phía Bắc, dự kiến trong giai đoạn trước mắt sẽ nâng cấp huyện Đông Anh lên thành quận. Về lâu dài, khi bảo đảm đầu tư xây dựng và các điều kiện phát triển, sẽ thành lập Thành phố phía Bắc mà Đông Anh là hạt nhân. Thành phố được xếp hạng đô thị loại 1, bao gồm phần phát triển đô thị và phần ngoại thành. Khu vực này có diện tích tự nhiên trên 632km2, dân số năm 2022 khoảng 1,027 triệu người và dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 1,96 triệu người; dân số 2045 khoảng 2,7 - 2,9 triệu người.

Chị Lê Ánh Nguyệt (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội):
Diện mạo khu vực đang thay đổi từng ngày

nguyet3.jpg

Để tạo động lực phát triển trong tương lai, được biết Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng các “thành phố trong thành phố”. Đặc biệt, gắn với trục cảnh quan sông Hồng, thành phố đang kỳ vọng tạo nên diện mạo mới, biểu tượng phát triển mới của Thủ đô Hà Nội. Riêng với mô hình “thành phố trong thành phố” đã không còn xa lạ bởi cách đây 3 năm, thành phố Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh và của cả nước - được chính thức thành lập. Do đó, khi triển khai, Hà Nội chắc chắn sẽ kế thừa, học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm.

Tại Hà Nội, thành phố cũng đang thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành. Điều đặc biệt là tất cả các huyện này đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng, cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của dòng sông với sự phát triển Thủ đô.

Đối với việc hình thành thành phố phía Bắc sông Hồng, người dân đều phấn khởi bởi nhận thấy huyện Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Nhiều dự án lớn đang được triển khai. Diện mạo khu vực đang thay đổi từng ngày với những khu đô thị lớn, đô thị xanh, sinh thái, thông minh. Từ những đô thị như thế, người dân Thủ đô mong muốn chủ trương phát triển đồng đều giữa tất cả các khu vực sẽ được thực hiện, và quan trọng là kéo giãn mật độ dân cư đang tập trung đông tại các quận nội thành.

Trên thực tế, yếu tố “đón đầu” cho sự phát triển là hạ tầng giao thông. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có một số cây cầu bắc qua sông Hồng, gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. Trong số này có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội, hiện nhiều cầu đã trở nên quá tải bởi lưu lượng phương tiện lưu thông lớn. Trong tương lai, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng thêm cầu qua sông Hồng.

Do đó, người dân tha thiết mong muốn những cây cầu này sẽ sớm được hình thành, đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng. Cùng với hệ thống cầu, các tuyến Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3 và đặc biệt Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ là nguồn lực mạnh để xây dựng, phát triển thành phố hai bên sông. Đó là ước mơ của người dân Thủ đô từ bao lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Bắc sông Hồng “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.