Sáng 18-7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu HĐND thành phố - Đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, sau kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố khóa XVI.
Tại hội nghị, sau khi đại biểu HĐND thành phố thông báo về kết quả kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố khóa XVI, đa số cử tri quận Hoàn Kiếm nhận định, kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp.
Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm đến 2 nội dung được HĐND thành phố cho ý kiến là Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và Đề án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị.
Về vấn đề trên, cử tri Nguyễn Thị Hợi (phường Lý Thái Tổ) cho rằng, với một đô thị lớn như Hà Nội, giao thông công cộng là giải pháp phù hợp nhất để phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, an toàn. Từ đó, cử tri kiến nghị thành phố Hà Nội tập trung rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để nghiên cứu mở mới hoặc điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận của người dân.
Bên cạnh đó, cử tri phường Lý Thái Tổ cũng cho rằng, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là rất cấp bách, mong muốn thành phố khi triển khai các tuyến đường sắt đô thị lựa chọn công nghệ hiện đại, bảo đảm đồng bộ, kết nối thuận tiện giữa các tuyến.
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho biết, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã có hiệu lực thi hành. Đối với các phường của quận Hoàn Kiếm, nếu chiếu theo số lượng hộ gia đình, thì chỉ được 3 thành viên/tổ, như vậy, không thể đủ người để đảm đương nhiệm vụ. Do đó, đối với đặc thù quận Hoàn Kiếm, cử tri kiến nghị HĐND, UBND thành phố ban hành quyết định cho các tổ an ninh cơ sở có tối đa 5 thành viên.
Cử tri Hoàn Kiếm cũng đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người từ 60 đến 70 tuổi; triển khai, phát huy, khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng.
Tiếp thu, trả lời vấn đề khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, khu vực bãi giữa có diện tích trên 300ha, thuộc địa bàn 4 quận; Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên.
Với địa bàn quận Hoàn Kiếm có 2 phường Chương Dương, Phúc Tân diện tích lớn, dân cư đông nhất nhưng cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận vẫn chỉ là tạm thời. Với Luật Thủ đô (sửa đổi) trao quyền cho thành phố, đặc biệt là việc chủ động triển khai các đồ án cũng như thực hiện quy hoạch chi tiết của khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm xác định là vị trí trung tâm của thành phố và cũng là vị trí trung tâm của sông Hồng. Với vị trí, diện tích như vậy đã có 120ha ở khu bờ sông, bãi giữa 23ha để phát triển trong tương lai.
Cũng theo đồng chí Phạm Tuấn Long, quận Hoàn Kiếm đang tập trung nghiên cứu đưa ra giải pháp cải tạo khu vực bờ sông Hồng gắn với phát huy theo hướng tiếp cận trở thành không gian công cộng, phục vụ cộng đồng để tăng không gian xanh, giải trí, dịch vụ, văn hóa thể thao, các dịch vụ công ích khác.
Thay mặt tổ đại biểu HĐND thành phố, phát biểu tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao các kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm là rất trách nhiệm, tâm huyết với mục tiêu xây dựng phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Nhấn mạnh với cử tri về kết quả kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, HĐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết với các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô... Đặc biệt, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao với việc lựa chọn chủ đề thực hiện kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và đào tạo, giải quyết việc làm.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, nhiều nội dung qua chất vấn đã có chuyển biến rõ nét, như: Công tác vệ sinh môi trường; trạm bơm Liên Mạc đã được xử lý lấy nước sông Hồng thau rửa sông Nhuệ; sông Tích cũng được đầu tư để xử lý ngập úng cho nội thành; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Nhà máy rác Thiên Ý ở huyện Sóc Sơn; sắp tới tập trung vào khu xử lý rác thải Núi Thoong... cũng được HĐND thành phố tập trung kiểm đếm, giám sát quyết liệt tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, việc triển khai cải tạo, chỉnh trang, xây dựng công viên từ thành phố xuống cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng chỉ đạo quyết liệt để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, tiêu biểu như các vườn hoa của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông…
“Mỗi thôn, tổ dân phố, quận, huyện, thị xã sạch đẹp thì toàn thành phố sẽ đẹp, cả nước đẹp. Điều này phục thuộc vào chính ý thức của mỗi người dân. Đề nghị cử tri tiếp tục ủng hộ các chủ trương của thành phố, địa phương; đồng thời dõi theo hoạt động của HĐND để tiếp tục góp ý, để ngày càng hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.
Để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, thời gian tới, thành phố sẽ thống nhất giữa các cơ quan để ban hành các nghị quyết thực thi các cơ chế, chính sách theo hiệu lực thi hành được quy định trong Luật. Yêu cầu đặt ra là việc xây dựng nghị quyết phải chất lượng để khai thác triệt để, trong đó chính sách về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ đê điều, đặc biệt là mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND ở cấp phường. Quốc hội đã thống nhất tăng thêm số đại biểu HĐND thành phố, lực lượng chuyên trách cho HĐND để tập trung trí tuệ, chất xám bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Với quy hoạch ở khu bãi sông Hồng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, thành phố đã triển khai quy hoạch phân khu sông Hồng. Trên cơ sở quy hoạch, thành phố sẽ tính toán, rà soát triển khai bảo đảm đúng quy hoạch và hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Hoàn Kiếm điều tra, rà soát các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, trên cơ sở đó có tính toán cụ thể về các địa điểm, không gian vui chơi, giải trí..., quan điểm là thực hiện đúng quy hoạch và khai thác có hiệu quả, tạo nên "kỳ tích sông Hồng".
Với kiến nghị hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho người từ 60 đến 70 tuổi, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Chương trình số 08/CTr-TU của Thành ủy cũng quan tâm đến các cơ chế chính sách hỗ trợ an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thành phố đang triển khai phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành sổ sức khỏe điện tử, vì thế chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát trên địa bàn cử tri nhân dân nào chưa được khám sức khỏe để cố gắng mỗi người dân được khám sức khỏe 1 lần/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.