Tôi nhớ một ngày của tháng 12-1988, cha tôi trở về từ bệnh viện với tâm trạng buồn bã, điều tôi hiếm thấy vì ông là người có khả năng che giấu cảm xúc.
Có lẽ một bệnh nhân ra đi trong sự bất lực không phải vì chuyên môn mà do bệnh viện thiếu thuốc? Rồi ông nói với mẹ tôi: “Nhà nước sắp bãi bỏ chế độ bao cấp”. Mẹ tôi im lặng. Tôi thì lờ mờ hình dung trước mặt sẽ là những tháng ngày khó khăn hơn trước.
Cơ chế bao cấp xuất hiện từ năm 1965 khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Kinh tế khó khăn, thiếu thốn nên Nhà nước thực hiện chính sách phân phối theo định lượng các mặt hàng thiết yếu cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân các thành thị, gồm: Lương thực, thực phẩm, chất đốt và hàng hóa tiêu dùng thông qua sử dụng bìa, tem phiếu, sổ. Theo Giáo sư kinh tế Đặng Phong, giá bán các mặt hàng này “rẻ như cho không”.
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Tháng 12-1976, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định: Việt Nam tiếp tục đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và Nhà nước đã đứng ra nhận trách nhiệm lo đời sống cho nhân dân, điều đó có nghĩa cơ chế bao cấp được nhà nước áp dụng trên cả nước.
Tuy nhiên, do nền kinh tế vận hành theo phương thức kế hoạch hóa tập trung, lại cộng thêm năng lực sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp hạn chế nên sản lượng làm ra rất khiêm tốn. Nhiều mặt hàng bao cấp cơ bản phải nhập khẩu như dầu hỏa, lương thực hoặc được viện trợ nên Trung ương cấp gì Hà Nội bán nấy. Có giai đoạn người dân được ăn 100% gạo, song cũng có giai đoạn phải "độn" mì, bo bo. Gạo cũ, mục, nhiều sạn và thóc, mì sợi đen cũng phải mua. Nhu cầu rất lớn mà hàng hóa không phải lúc nào cũng sẵn trong kho dẫn đến số lượng bán ra nhỏ giọt đã sinh ra rồng rắn xếp hàng.
Ngoài yếu kém của nền kinh tế, đất nước sau thống nhất chưa bao lâu lại phải tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nên cuộc sống càng thiếu thốn, khó khăn trong suốt thời kỳ bao cấp. Nhiều gia đình ở Hà Nội phải làm thêm nghề phụ như dệt len, dán vỏ hộp, bóc lạc, nuôi chim cút, nuôi gà công nghiệp... Có nhà ở tập thể cao tầng còn nuôi lợn, bất chấp ban quản lý ra lệnh cấm vì phân lợn làm tắc cống thoát nước. Năm 1985, Nhà nước thực hiện chính sách “giá - lương - tiền” nhưng đời sống người dân không những không được cải thiện mà còn khó khăn hơn.
Nhận thức được nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên là do cơ chế quan liêu bao cấp, năm 1986, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quyết tâm đổi mới. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12-1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã thẳng thắn “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”: Đất nước khó khăn là do chủ quan, duy ý chí, không theo quy luật đã dẫn đến kìm hãm phát triển, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.
Chủ trương đổi mới do Đảng khởi xướng làm người dân cả nước hồ hởi đón nhận và hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn. Thế nhưng để con tàu trở lại đúng đường ray cần phải có thời gian và những quyết định đúng dù có thể nghiệt ngã. Và khi áp dụng đồng bộ những quy luật thị trường đã gây ra lạm phát khủng khiếp. Trong 2 năm 1987- 1988, lương tăng không theo kịp tốc độ lạm phát.
Năm 1987, tôi là sinh viên, một tháng học bổng là 110 đồng, thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt khoảng 20 đồng nhưng chỉ lĩnh chậm một ngày thì đã mất giá vì các mặt hàng tăng giá. Có ngày đi học không mang theo cặp lồng cơm nên buổi trưa phải sang bếp ăn của Đại học Thương mại mua suất ăn. Giá mỗi suất ăn 5 đồng chỉ được 2 bát cơm, mấy chục hạt lạc rang muối và bát canh lõng bõng. Cuối năm 1987 đầu năm 1988, suất cơm vẫn thế nhưng giá tăng lên 6 đồng, rồi 7 đồng.
Cuối năm 1988, các gia đình Hà Nội vẫn được phát tem phiếu, bìa mua hàng. Tuy nhiên, hết quý I-1989, nhà nước công bố xóa hoàn toàn bao cấp. Và các cửa hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt đồng loạt đóng cửa. Trẻ con vui mừng vì không phải xếp hàng nhưng cả thành phố rơi vào tâm trạng lo lắng, bởi xóa bỏ bao cấp tức là các gia đình sẽ phải tự lo cho chính mình. Lương thực, thực phẩm, chất đốt phải mua ở chợ và giá cả do thị trường quyết định khi lạm phát có giảm nhưng vẫn ở mức 37%.
Khoảng thời gian này, ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật đã đăng bài “Tâm lý gà công nghiệp” của Tiến sĩ tâm lý Đức Uy. Tác giả ví người Việt Nam khi cơ chế bao cấp bị xóa bỏ như gà công nghiệp vốn quanh năm trong chuồng chật trội nay được thả ra sân, chân tấp tểnh không vững, mắt ngơ ngác và vì quen được chủ cho ăn hằng ngày đã mất khả năng tự bới đất tìm mồi. Bao cấp dù có thể chưa no, thức ăn không ngon song chắc chắn một ngày cũng có hai bữa.
Cha tôi thường thở dài vì nhà đông con, mẹ tôi mới nghỉ hưu, lương lại thấp, các em tôi còn đi học. Không riêng gì nhà tôi, rất nhiều gia đình Hà Nội hoang mang. Tiền lương của cả nhà tôi dồn lại chỉ đủ để mua gạo. Để có tiền mua thực phẩm, mắm muối, mì chính, mẹ tôi bán dần mấy chỉ vàng của hồi môn.
Đến tháng 10-1989, Nhà nước ban hành Nghị định 176, giải tán những doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ. Và thật không may, xí nghiệp của anh tôi trong diện đó. Anh về hưu non, lĩnh trợ cấp một lần, lờ vờ không biết làm gì mà cũng chẳng có việc gì để làm. Hà Nội có hàng vạn người thất nghiệp nên nhà nhà lao ra đường kiếm sống. Có nhà thì sáng bán bún ốc hay bánh cuốn, nhà có quê thì về mua lạc, đậu xanh mang ra phố bán lẻ. Cánh đàn ông thì sắm bộ đồ sửa xe đạp, mưa nắng cũng đội mũ đứng dưới gốc cây hay cột điện. Có ông mua can xăng ở trạm về rót ra chai bán lẻ. Lại có nhà cuốc đất hoang trồng rau. Mẹ tôi tháo đôi hoa tai bán lấy vốn đi buôn. Sáng sớm phố còn chưa thức bà đã dậy lóc cóc đạp xe lên chợ đầu mối mua rau về bán lẻ ở chợ cóc. Mưa cũng đi, gió rét thấu xương cũng đi, đau mỏi khớp gối cũng cương quyết không nghỉ, lãi không nhiều nhưng cũng đủ mua được thức ăn hằng ngày cho cả nhà. Mỗi nhà một cách, một kiểu vượt qua khó khăn, vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi.
Rồi một số chính sách đổi mới qua độ trễ đã đi vào cuộc sống. Nhà nước công nhận nền kinh tế đa thành phần, có doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tập thể, doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều người có ý chí đã lập công ty tư nhân. Nhờ đó anh tôi cũng xin được việc làm. Tôi cũng may mắn xin được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Vì thế cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả.
Có một Hà Nội hôm nay là quyết tâm đổi mới cơ chế của Đảng với các chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thực tiễn Việt Nam. Thế nhưng để có mức thu nhập bình quân đầu người Hà Nội tăng lên và sẽ tiếp tục tăng là lòng quyết tâm, bản lĩnh kiên cường vượt qua cú sốc xóa bỏ bao cấp giai đoạn chuyển đổi cơ chế của người Hà Nội. Tôi nghĩ mỗi người Hà Nội nên tự hào vì điều này.
---
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.