Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học nắm chắc và tận dụng sáng tạo thời cơ trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bá Dương| 30/04/2017 06:36

(HNM) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

Ngày 30-4-1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc lập tiến vào bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu


Dựa trên những thông tin chính xác và tình thế cách mạng Việt Nam ngày càng có lợi cho ta, Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 với quyết tâm chiến lược là “phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để và khôn khéo để gây bất ngờ”. Bộ Chính trị cũng xác định nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường miền Nam là quyết tâm đánh bại kế hoạch “bình định” ở Đồng bằng Nam Bộ và Trung Bộ của Ngụy quyền, phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp phong trào đấu tranh chính trị đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc, tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là công tác binh vận, đẩy mạnh phá hủy các phương tiện hậu cần, kho tàng, vũ khí của chính quyền Sài Gòn, làm cho chúng ngày càng lâm vào tình thế bị động, mất sức chiến đấu... Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam ngày 20-1-1975.

Vì vậy, khi thời cơ đến, ta quyết định giải phóng chiến lược Tây Nguyên trước. Nhờ mưu trí, sáng tạo và tuyệt đối bí mật, quân và dân ta đã nghi binh, tiêu diệt gọn một số cứ điểm trên đường 19, 21, An Khê,... làm cho quân Ngụy mắc bẫy tập trung sự chú ý và dồn sức về phía Bắc Tây Nguyên. Trong lúc địch hoàn toàn không biết được hướng tấn công chính của ta thì vào lúc 1 giờ 55 phút ngày 10-3-1975, quân ta đã nổ súng đánh Buôn Ma Thuột. Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh gọn và quân ta đã giành được thị xã, tỉnh lị, diệt, bắt sống nhiều tên địch.

Để chiếm lại Buôn Ma Thuột, chính quyền Sài Gòn tập trung phản kích điên cuồng nhưng đã quá muộn và phải chịu thất bại thảm hại. Sau chiến thắng giòn giã ở Buôn Ma Thuột, khí thế của quân và dân ta ngày càng dâng cao, thời cơ giải phóng miền Nam đến rất gần. Ngày 1-3-1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã họp để đánh giá cục diện chiến trường Tây Nguyên và miền Nam; chỉ rõ sự cần thiết phải giải phóng Tây Nguyên trong tháng 3-1975, đồng thời đã tính đến mở các đòn chiến lược ở Huế, Trị Thiên, Đà Nẵng và nhiều nơi khác.

Vào thời điểm đó, địch buộc phải chạy thoát khỏi Tây Nguyên ngày 16-3-1975, Kon Tum, Pleiku, ta không đánh mà thắng, thời cơ đột biến trên chiến trường đã đến, quân và dân ta nhanh chóng truy kích, chặn đánh quân Ngụy, làm cho chúng hoảng loạn, biến thành thảm họa kinh hoàng trên đường số 7. Đến hạ tuần tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, Tây Nguyên được giải phóng, hơn 10 vạn quân địch trên chiến trường Tây Nguyên bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Chớp thời cơ, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm ngay trong năm 1975 giải phóng miền Nam. Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn, hướng chiến lược quan trọng trước mắt là Trị - Thiên. Ngày 24-3-1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp và khẳng định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này kể từ 20 năm qua. Cách mạng miền Nam đã có những bước nhảy vọt, nhưng đây là bước nhảy vọt có ý nghĩa quyết định”.

Vì vậy, Đảng nêu quyết tâm tranh thủ thời gian cao độ, tập trung nhanh nhất lực lượng binh khí, kỹ thuật, mọi điều kiện cần thiết nhằm vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, đánh cho quân Ngụy không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Từ quyết định này, ngày 18-3-1975, lực lượng chính của quân và dân ta hướng về phía Đông Nam Bộ, phối hợp với các địa phương, mở rộng vùng giải phóng. Ngày 19-3-1975, quân, dân ta giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị, sau đó là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Với niềm tin toàn thắng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nêu rõ quyết tâm tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt hơn cả là hoàn tất trong tháng 4-1975. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Chúng ta đã dốc toàn bộ lực lượng hướng vào phía Sài Gòn, cô lập Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long. Vào thời điểm ấy, vấn đề quyết định là nắm chắc thời cơ và chạy đua với thời gian, gây ra yếu tố bất ngờ để địch không kịp trở tay, không biết ta sẽ đánh hướng nào là chính.

Vì vậy, Bộ chỉ huy chiến dịch đánh Sài Gòn đã tính kỹ từng ngày và các phương án để thực hiện phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Với tinh thần ấy, ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Không quân ta đã ném bom khống chế Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hòa. Các binh đoàn chủ lực của ta cùng xe tăng mở nhiều đợt tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn quân Ngụy vây quanh Sài Gòn từ mọi hướng. Sáng 30-4, với lực lượng áp đảo, quân ta gồm 5 quân đoàn - 5 cánh quân, thế mạnh như chẻ tre, đồng loạt tiến vào trung tâm Sài Gòn, chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của thành phố. Thời khắc lịch sử và mốc son chói lọi là 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Thời khắc ấy, Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 21 năm kiên trì chiến đấu chống quân Mỹ - Ngụy của quân và dân ta. Với chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã ghi một dấu ấn sâu đậm ở thế kỷ XX như chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của ông cha ta trước đây. Bằng máu xương của mình, quân và dân ta đã tô đậm thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc anh hùng, của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.

Chiến thắng huy hoàng mùa Xuân năm 1975, ghi thêm một kinh nghiệm quý báu trong lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là bài học nắm chắc thời cơ chiến lược và vận dụng linh hoạt thời cơ đến để đánh chắc, tiến chắc và chắc thắng. Đây là di sản quý báu mà thế hệ cha anh để lại cho chúng ta.

Lớp cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trẻ hôm nay phải gìn giữ, nâng niu, bảo vệ và kế thừa, vận dụng khôn khéo vào sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Bởi đây là một trong những bài học quý báu của hơn 30 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi đối với quân và dân ta: Luôn nắm chắc và sử dụng tốt thời cơ để tạo ra thế và lực có lợi cho cách mạng.

Để tuột mất thời cơ hoặc không biết khai thác, sử dụng tốt thời cơ, chúng ta sẽ không thể giành được những thắng lợi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học nắm chắc và tận dụng sáng tạo thời cơ trong Đại thắng mùa Xuân 1975

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.