(HNM) - LTS: Dù đã nỗ lực, bằng nhiều giải pháp, song tiến độ giao đất dịch vụ (GĐDV) trên địa bàn quận Hà Đông vẫn chậm so với yêu cầu.
Nguyên nhân phần nhiều từ phía người dân chưa chấp hành nghĩa vụ tài chính nên chưa đủ điều kiện giao đất ngoài thực địa mặc dù hạ tầng đã được đầu tư đầy đủ. Bằng mọi cách phải hoàn thành cơ bản việc GĐDV cho những trường hợp đủ điều kiện trong năm 2015, Quận ủy, UBND quận Hà Đông đang huy động mọi nguồn lực để bảo đảm tiến độ.
Hà Đông là địa phương quy hoạch diện tích đất dịch vụ lớn nhất TP Hà Nội với hơn 242ha, đồng thời cũng ứng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tương đương với đô thị loại III cho những khu đất này. Hiện, công tác chỉ đạo xét duyệt đối tượng, tiêu chuẩn được cấp đất đang được quận tập trung cao điểm và đã cấp hơn 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dịch vụ.
Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp
Quận Hà Đông có 13/17 phường được áp dụng chính sách GĐDV (đất ở), tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời điểm áp dụng chính sách GĐDV theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ là 1.695,81ha. Từ năm 2008 đến nay, Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (GPMB), tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ.
Nhiều khu đất dịch vụ tại Hà Đông đã được hoàn thiện hạ tầng nhưng chưa được bàn giao cho người dân. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân, đến thời điểm này, quỹ đất dịch vụ hoàn thành hạ tầng đủ điều kiện giao đất là 218ha (bao gồm cả diện tích quy hoạch hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật) trên địa bàn các phường Mộ Lao, Phú La, Phúc La, La Khê, Hà Cầu, Dương Nội, Yên Nghĩa, Đồng Mai, Biên Giang, Kiến Hưng, Phú Lãm đã cơ bản hoàn chỉnh. Cho dù thành phố đánh giá việc GĐDV trên địa bàn quận còn chậm, mới đạt 42% (tương đương với hơn 11.500 hộ), nhưng với một quận có hơn 27.000 trường hợp được hưởng chính sách đất dịch vụ, bộ máy hành chính cũng như các đơn vị khác, không tăng thêm cán bộ, thì kết quả đó là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp ủy từ quận đến cơ sở.
Ghi nhận từ thực tiễn, quận Hà Đông là một trong số ít quận, huyện thực hiện đầu tư hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao đối với những khu đất dịch vụ, bởi quận là đô thị loại III của tỉnh Hà Tây cũ. Vì thế, tất cả hệ thống giao thông rải nhựa có mặt cắt tối thiểu 11,5m, công trình hạ tầng kỹ thuật hạ ngầm đồng bộ, nên sau khi các hộ dân được giao đất thì giá trị sử dụng tăng cao, nhất là trong giao dịch, chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế...
7 ngày sau nộp tiền sẽ giao đất ngoài thực địa
Hiện nay, quận Hà Đông đang đẩy nhanh tiến độ giao đất đối với hơn 10.000 trường hợp đã có mặt bằng sạch, trong đó đa số ở địa bàn các xã trước đây: Dương Nội, Đồng Mai, Yên Nghĩa. UBND quận đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách GĐDV cho các hộ. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của quận, phường, UBND quận còn chỉ đạo UBND các phường gửi thông báo tiêu chuẩn đất dịch vụ đến từng hộ; thành lập tổ công tác xuống từng hợp tác xã, từng tổ dân phố hướng dẫn nhân dân lập hồ sơ; tổ chức xét duyệt đất dịch vụ, ghép lô đồng sử dụng.
Trước đây phải tập hợp nhiều trường hợp mới tổ chức xét duyệt, nhưng hiện nay một tháng quận tổ chức xét duyệt hai lần, bất kể số lượng nhiều hay ít nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Đặc biệt, sau khi các hộ dân nộp tiền tạm thu suất đầu tư hạ tầng, thì sau 7 ngày UBND quận sẽ tiến hành giao đất ngoài thực địa. UBND quận cũng tạo điều kiện tối đa cho các hộ nộp tiền. Theo đó, một tháng 2 lần tiến hành thu tại trụ sở UBND các phường. Ngoài các ngày quy định, nếu các hộ dân có nhu cầu thì UBND quận cũng làm thủ tục để họ nộp tiền tại kho bạc hoặc ủy quyền cho Quỹ Tín dụng nhân dân phường sở tại thu.
Đến nay, nhiều trường hợp đóng tiền hạ tầng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng rất thuận tiện. Hộ gia đình ông Vương Như Tuệ (Tổ 1, phường Đồng Mai) là ví dụ. Gia đình ông đi đầu đóng tiền tạm thu suất đầu tư hạ tầng và năm 2014 được UBND quận Hà Đông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện, gia đình đang làm nhà trên khu đất dịch vụ.
Ông Tuệ cho biết: "Đang có nhu cầu về chỗ ở nên gia đình tôi rất phấn khởi khi được cấp sổ đỏ khu đất dịch vụ. Nó giúp chúng tôi yên tâm và còn có thể vay tiền ngân hàng nếu có nhu cầu". Qua nắm bắt tình hình tại các khu đất dịch vụ, sau khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Đơn cử, ở xã Đồng Mai, trước đây giá giao dịch khi chưa có sổ đỏ chỉ khoảng 500 triệu đồng, nhưng nay đã có sổ đỏ thì giao dịch khoảng 1 tỷ đồng/lô; ở phường Dương Nội, khi chưa có sổ đỏ giá giao dịch khoảng 1,3 tỷ đồng/lô, nhưng sau khi có sổ lên đến 2,3 tỷ đồng/lô...
Tính đến tháng 6-2015, UBND quận Hà Đông đã tổ chức xét duyệt 21.570 trường hợp, tương ứng với 18.455 lô đất (đạt 92,9% nhu cầu); đã tổ chức bốc thăm được 18.749 trường hợp, tương ứng 14.447 lô đất (đạt 78% kết quả xét duyệt). UBND quận đã giao đất cho 11.650 trường hợp với 9.256 lô đất bằng 56,4ha; tổ chức cấp gần 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp đủ điều kiện trên địa bàn 5 phường: Phúc La, Phú La, Biên Giang, Phú Lãm, Đồng Mai. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.