(HNM) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đòi hỏi tất yếu và Hà Nội phải có cách làm mới để vượt qua các rào cản về tư duy, trình độ sản xuất, cơ chế chính sách…
Bài đầu: Thiếu vốn, thiếu đất... thiếu hiệu quả
Hà Nội có không ít mô hình NNCNC nhưng đầu tư chắp vá, hiệu quả không cao. Trong khi nông sản sạch vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phố vẫn chưa có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Kiểm tra chất lượng nuôi dưỡng cây giống hoa lan hồ điệp xuất khẩu tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt |
Vốn đầu tư và lợi nhuận đều thấp
Nhiều loại nông sản Hà Nội đã xây dựng được thương hiệu và đang phát huy giá trị như: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, Bắc Sơn… Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã dần hình thành nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chất lượng chưa cao, hình thức mẫu mã chưa đủ sức cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất đến việc bảo quản, chế biến nông sản còn hạn chế; thành phố chưa tạo được nhiều động lực, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, xã hội hóa đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn; việc tiếp cận đất đai, liên kết với nông dân trong sản xuất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu nhất, dẫn tới tỷ lệ tổn thất cao, giá trị sản xuất thấp. Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa, trung tâm được Sở NN&PTNT giao triển khai các mô hình ứng dụng NNCNC đối với cây chè và cây ăn quả. Tuy nhiên, qua khảo sát đa phần nông dân chưa hiểu thế nào là NNCNC.
Trong khi đó, người nông dân cũng có không ít lo lắng. Anh Nguyễn Văn Vững, chủ vườn chè tại xã Ba Trại, Ba Vì chia sẻ: Gia đình anh có trên 2 mẫu chè, đã được Sở NN&PTNT công nhận là vùng sản xuất chè an toàn. Giá bán chè hiện nay có cao hơn so với phương thức thâm canh cũ, song nếu đưa máy móc vào sơ chế, bảo quản thì cần có doanh nghiệp (DN) tham gia chứ gia đình anh không có vốn để đầu tư. Rau an toàn (RAT) cũng luôn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Hà Nội hiện có 5.500ha RAT, với sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm, nhưng tiêu thụ vào siêu thị chỉ đạt 0,7%, còn ở bếp ăn tập thể 10%, dẫn đến việc ứng dụng CNC trong các mô hình sản xuất RAT vô cùng khó khăn. Ông Đặng Bá Thắng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Lan (Duyên Hà - Thanh Trì) cho biết: Đầu tư xây dựng nhà sơ chế, nhưng không phải nông dân nào cũng đưa vào sơ chế theo quy định vì sợ chi phí đội giá lên cao, hệ thống nước tưới tự động không làm được vì kinh phí lớn mà đầu ra của RAT bấp bênh...
Còn theo ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai), dù đã xây dựng nhà chung cư cho lợn, toàn bộ hệ thống đều được bố trí khép kín từ sản xuất con giống song cũng chỉ có hệ thống làm mát tự động và thụ tinh nhân tạo được xem là ứng dụng CNC. Còn các khâu khác phải đầu tư với số lượng vốn lớn nên cũng giống như hầu hết các trang trại chăn nuôi khác, không thể đáp ứng được việc này.
Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, các trại chăn nuôi trên địa bàn mới ứng dụng một phần CNC. Mới có 47% trại chăn nuôi bò thịt sử dụng hệ thống chống nóng; 40% trang trại, hộ chăn nuôi lợn sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát... Ứng dụng CNC trong chăn nuôi còn hạn chế liên quan chủ yếu đến kinh phí đầu tư lớn mà lợi nhuận thấp nên các trang trại chăn nuôi cũng như doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Nan giải chuyện quỹ đất
Hà Nội đã ứng dụng NNCNC từ nhiều năm trước, tuy nhiên các mô hình đều quy mô nhỏ, chưa phát huy hiệu quả. Một vài dự án lớn hình thành từ nhiều năm trước, nhưng vẫn... dang dở.
Dự án ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa, quả triển khai tại huyện Từ Liêm cũ (nay là quận Bắc Từ Liêm) từ năm 2004 với diện tích 7.600m2, có tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 1/3, còn lại là vốn của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Sau khi triển khai, dự án thu được kết quả khả quan với năng suất cà chua đạt 400 tấn/ha. Thế nhưng, do áp dụng rập khuôn công nghệ của nước ngoài nên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông Hoàng Trọng Chương, Phó Tổng Giám đốc Hadico cho biết: Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam theo mùa vụ, thời điểm rau, cà chua Hadico bán ra thị trường cũng vào thời điểm nông dân thu hoạch nên đầu ra bị ứ đọng. Trong khi đó, giá thành sản phẩm cao gấp 3 lần nên không cạnh tranh được với sản phẩm trên thị trường, khiến Hadico thua lỗ, mỗi năm 200-300 triệu đồng. Dự án này đã bị phá sản gây lãng phí rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nhận định: Kinh nghiệm thành công từ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng chính là việc dành quỹ đất hàng chục nghìn héc ta cho doanh nghiệp đứng ra đầu tư, kêu gọi nông dân vào sản xuất. Toàn bộ quỹ đất đó được chính quyền quy hoạch. Thế nhưng với Hà Nội, triển khai NNCNC sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải là không có quỹ đất riêng mà phụ thuộc vào đất của nông dân. Mặc dù đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa, song sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn manh mún.
Ông Triệu Tiến Ích - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức cho biết: Nếu đưa được NNCNC vào sản xuất cây ăn quả trong đó có nhãn chín muộn rất khả quan cho trái cây Thủ đô. Tuy nhiên, các vùng sản xuất nhãn thường do hộ dân quản lý, diện tích không lớn. Nếu đưa CNC vào sản xuất thì việc quy hoạch thành vùng tập trung rất khó. Còn theo ông Nguyễn Văn Kháng - chủ trang trại gà ở Đông Anh, sau một thời gian, trang trại muốn mở rộng quy mô lên gấp đôi với diện tích như hiện nay nhưng không làm được vì không có đất. Nếu thuê đất lại của nông dân thì vốn quá lớn, bên cạnh đó, để xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát diện tích 1.000m2 phải mất trên 10 tỷ đồng, trong khi đầu tư vào chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp không mặn mà.
Mục tiêu chương trình nông nghiệp Hà Nội đề ra thời gian tới là hình thành vùng sản xuất 1.000ha trồng rau, 500ha trồng hoa, 1.370ha trồng cây ăn quả, 1.000ha trồng chè ứng dụng công nghệ cao. Có ba vùng chăn nuôi gia cầm, hai vùng chăn nuôi lợn, ba vùng chăn nuôi bò thịt, bốn vùng chăn nuôi bò sữa, 200 trang trại chăn nuôi gà, 200 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi bò thịt, 10 trang trại chăn nuôi bò sữa, 600ha thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một khu nông nghiệp ứng dụng CNC, 9 mô hình sản xuất giống, 22 mô hình sơ chế, bảo quản, chế biến… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.