(HNM) - Tết Bính Thân đang đến gần, nhiều người ung dung, thanh thản chờ đợi những khoản tiền thưởng để về quê ăn Tết bên gia đình hay đi du lịch. Nhưng cũng có không ít công nhân chẳng may bị mất việc làm, những sinh viên nghèo vẫn loay hoay tìm việc, vật lộn với cuộc mưu sinh để mong cho gia đình một cái Tết đủ đầy.
Bài đầu: Những người… không mong Tết
Công ty phá sản, mất việc làm, không lương, không thưởng, chạy đôn đáo những ngày cuối năm chỉ thấy người tìm việc mà không có mấy việc cần người, thế nhưng họ vẫn phải tìm đủ cách để kiếm sống, để lo Tết.
Anh Trần Văn Nhiễn sửa soạn chiếc lưới để đánh cá kiếm sống qua ngày. |
Công ty phá sản, công nhân mất Tết
Khi anh Trần Văn Nhiễn và nhiều công nhân kéo nhau lên công ty lĩnh lương thì mới biết tin giám đốc đã bỏ trốn. Hơn một tháng tiền lương chưa được nhận, toàn thể công nhân bao vây công ty và chờ đợi trong vô vọng. Cán bộ công đoàn vận động công nhân làm đơn kiện gửi lên cơ quan chức năng, anh Nhiễn và vợ là chị Mộng Thùy không biết chữ, đành cầm mẫu đơn nhờ đồng nghiệp viết giùm… Họ cũng không biết chuyện gì đang đến với gia đình mình. Khi nghe được kết luận thanh tra, Công ty TNHH Keo Hwa Vina còn nợ hơn 9,4 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hơn 6,2 tỷ đồng lương của gần 1.000 công nhân, chị Mộng Thùy cùng hàng trăm công nhân nữ ở đây chỉ còn biết lăn ra kêu khóc. Gia đình anh Nhiễn, chị Thùy có 8 lao động, tính ra công ty nợ hơn 40 triệu đồng tiền lương. Họ đành tiếp tục chờ đợi cơ quan chức năng thanh lý tài sản công ty để may ra có thêm ít đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì.
Tâm lý nặng nề bao trùm cả một khu trọ trên địa bàn xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. 1.000 công nhân của Công ty Keo Hwa Vina rơi vào tình trạng túng quẫn, nhất là các cặp vợ chồng cùng làm công ty, cùng bị mất việc, bị nợ lương. Cùng cảnh với vợ chồng anh Nhiễn còn có nhiều gia đình khác như gia đình chị Trần Thị Nghiến và chồng cũng nuôi 2 con, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ đang tuổi cần uống sữa. Rồi giữa lúc nước sôi lửa bỏng, đứa con đầu của vợ chồng anh Trần Văn Minh và chị Bùi Thị Bích Ngọc ra đời. Gia đình đón nhận tin vui trong một tình cảnh éo le. Thêm một người là thêm một miệng ăn, ngày mai, họ không biết sẽ ra sao…
Gian nan tìm việc, lận đận mưu sinh
Công ty Keo Hwa Vina đóng cửa cũng có nghĩa là 1.000 công nhân mất việc phải đi xin việc làm mới. Thời điểm này, không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn Hóc Môn mà một số công ty tại các khu chế xuất ở Quận 12, huyện Củ Chi cũng đang tìm mọi cách để giảm bớt lao động hợp đồng. Người lao động nghèo bị thất nghiệp trong thời điểm gần Tết càng nhiều. Trong khi đó các công ty có nhu cầu tuyển công nhân cho đơn hàng Tết cũng chỉ tuyển từ 10 đến 15 công nhân.
Sau hai tháng đôn đáo, nháo nhào nhưng không tìm được bất cứ thông tin nào về việc làm. Thương hai đứa con nhỏ, anh Lý Minh Quý, chồng chị Trần Thị Nghiến phải bỏ về quê xin làm thợ hồ. Chị Nghiến đành mang 2 con qua ở cùng phòng với cậu út Màng Em và mẹ để tiết kiệm chi phí và tiếp tục tìm việc làm. Căn phòng chưa đầy 16m2 trở thành nơi sinh hoạt chung của 5 người. Ngoài 30 tuổi, đã có gia đình, dù lanh lợi đến mấy thì chị Nghiến vẫn bị đánh rớt khi phỏng vấn xin việc. Chồng về quê chưa tìm được việc, trong khi tiền nhà, tiền học, tiền ăn của con, một mình chị Nghiến phải lo liệu. Mới đây, chị Nghiến may mắn được vào thử việc tại Công ty SinSung Việt Nam trên địa bàn huyện Hóc Môn. Nhận việc làm trước Tết, chị Nghiến chỉ ăn lương học việc. Công ty lại ít tăng ca nên công nhân mới như chị chỉ có thể dựa vào đồng lương ít ỏi. Sau 3 tháng thất nghiệp, trầy trật kiếm việc khắp nơi, ba anh em trong gia đình họ Trần gồm: Trần Màng Em, Trần Văn Minh, Trần Văn Màng đã được nhận vào làm tại Củ Chi. Công việc vất vả, thu nhập mỗi người chỉ khoảng 4 triệu đồng, công ty lại ở xa chỗ trọ, nhưng vì muốn con cái ổn định chỗ học hành và đại gia đình sống quây quần bên nhau nên họ quyết định không chuyển trọ. Chạy gần 40km mỗi ngày đi đi về về giữa Hóc Môn và Củ Chi để làm việc, họ tạm hài lòng vì ngoài kia nhiều người chưa có việc làm, phải khăn gói về quê.
Vợ chồng anh Trần Văn Nhiễn do không biết chữ, lại ngoài 35 tuổi nên đi đến đâu xin việc cũng bị từ chối. Khi công ty phá sản được một tuần, anh mua bộ chài lưới, về Long An đánh cá sông nuôi cả nhà. Tầm một giờ đêm anh Nhiễn leo lên xe máy chạy suốt 25km đánh cá, mưu sinh. Hôm đánh được nhiều, anh đi bán cho công nhân ở khu công nghiệp để lấy tiền đong gạo, mua rau. Một mớ cá đồng nuôi 5 miệng ăn, cứ thế gia đình họ chật vật vượt qua hơn 4 tháng thất nghiệp. Chị Võ Thị Mộng Thùy vợ anh Nhiễn, thương chồng rất nỗ lực tìm việc làm, nhưng cũng vì không biết chữ nên không công ty nào muốn nhận.
Ly hương lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống, gia đình anh Nhiễn đang yên ổn, bỗng công ty phá sản, cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn. Sau hơn 4 tháng thất nghiệp, chỉ 4 người trong gia đình kiếm được việc làm. Những ngày gần cuối năm, bên trong phòng trọ ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, anh Nhiễn lặng lẽ ngồi khâu lại chiếc lưới rách. Bấy lâu nay nó trở thành vật cứu tinh, nuôi sống cả gia đình nhỏ. Nhưng số cá bắt được ngày càng ít, có ngày chỉ bán được khoảng 70.000 đồng, không đủ nuôi 5 miệng ăn. Trước thềm năm mới, anh chỉ mong cái Tết trôi qua thật nhanh. Nhìn xung quanh mình, nhiều đứa em may mắn xin được việc làm, nhưng cũng chẳng khấm khá hơn. "Màng Em, Minh và Nghiến đang ở vị trí thử việc, tiền lương chưa lãnh đủ, chẳng ai có tiền thưởng Tết. Năm nay tụi trẻ con không có quần áo mới". Anh Nhiễn lắc lắc cái đầu để lộ những sợi tóc bạc vì đêm dài tất bật mưu sinh. Xem tivi, nghe chuyện thưởng Tết của nhiều doanh nghiệp, Trần Màng Em, ngậm ngùi: "Chúng em mới được vào làm việc, Tết này nghe đâu mỗi người được công đoàn cho giỏ quà gồm gạo, dầu ăn, nước mắm. Một phần quà nhỏ, trong lúc gia đình khó khăn, vậy là em cũng ấm lòng rồi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.