(HNM) - LTS: Hà Nội là thành phố sông hồ, có lẽ vì thế mà vua Minh Mạng đã đổi Thăng Long thành Hà Nội (trong sông). Tuy nhiên do tự nhiên biến đổi, do thiếu tầm nhìn và cả những toan tính nên sông Thiên Phù đã bị lấp; sông Tô Lịch, Kim Ngưu giờ chỉ là những mương thoát nước thải và Sông Hồng đoạn qua Hà Nội đang tiếp tục bị lấp. Hòa trong sóng nước lô xô, có cả giọt nước mắt của sông...
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. |
Thấm đẫm truyền thuyết
Sông Hồng, đoạn từ Lào Cai đến Phú Thọ người xưa gọi là Sông Thao, đoạn qua cầu Việt Trì gọi là Bạch Hạc, đoạn qua Hưng Yên gọi là Xích Đằng… đoạn chảy qua Hà Nội gọi là Nhị Hà. Thế nên mới có câu:
Nhị Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam có rất nhiều truyền thuyết liên quan hoặc xuất phát từ dòng Nhị Hà. Đình Chèm (nay thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) với kiến trúc độc đáo là nơi cất giấu rất nhiều câu chuyện về thời xa xưa. Trận lũ lịch sử ở thế kỷ XIX đã khiến đình ngập sâu trong nước, để bảo vệ di tích, dân làng đã thuê thợ kiệu đình lên cao ngang mặt đê. Đình Chèm thờ Lý Ông Trọng (còn gọi là Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại và Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung.
Lý Thân văn tài, võ giỏi, sống hiếu nghĩa, cương trực, dẹp giặc lập nhiều công lớn. Cuối đời vua Hùng Duệ Vương, nước Văn Lang bị quân Tần xâm lược, ông hợp sức với Thục Phán và cùng quân dân Lạc Việt đánh giặc hàng chục năm trời, cuối cùng giặc phải thua. Thục Phán lên làm vua lấy hiệu là An Dương Vương. Lúc đó nhà Tần bị giặc Hung Nô quấy phá. Tần Thủy Hoàng đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng cũng không ngăn nổi bèn sai sứ sang cầu An Dương Vương cho tướng tài sang giúp. Để tạo mối bang giao, triều đình đã cử Lý Thân đi.
Tần Thủy Hoàng thử tài, thấy ông văn hay võ giỏi bèn cho cầm đầu đạo quân đi dẹp Hung Nô. Thắng trận trở về, vua Tần phong ông làm Phụ Tín Hầu và gả công chúa. Vua Tần ngỏ ý muốn giữ ở lại nhưng ông từ chối xin đưa vợ con trở về quê hương. Truyền thuyết cũng kể về con giải, một quái vật tàn ác trên Sông Hồng đã nuốt mẹ ông và đã bị ông trừng phạt nên Sông Hồng đoạn từ Chèm đến bến Đông Bộ Đầu (nay là phố Hòe Nhai, Hàng Than) không còn bóng dáng quái vật. Lý Ông Trọng không chỉ là biểu tượng sức mạnh mà còn là biểu tượng của trí tuệ, lòng hiếu nghĩa.
Một truyền thuyết khác vẫn lưu truyền cho đến ngày nay là chó mẹ trên lưng mang chữ "vương" từ Đình Bảng bơi qua Sông Nhị (đoạn cầu Nhật Tân hiện nay) sang đỉnh Núi Nùng sinh con vì đây là đất lành. Trong lúc bơi, chó mẹ phải chiến đấu với ba ba, thuồng luồng và thủy quái trên sông, có lúc tưởng bỏ mạng nhưng cuối cùng qua được sông an toàn. Khi Lý Công Uẩn dựng xong Kinh đô Thăng Long, ngài đã tế một chú chó con và chỗ tế chính là đền Cẩu Nhi hiện nay (nằm ở phía Bắc hồ Trúc Bạch). Ý nghĩa của truyền thuyết là con đường đi đến hạnh phúc đầy khó khăn, gian khổ, thậm chí có thể chết vì thế cần phải khôn khéo và dũng cảm.
Rồi Trại Tiên Ngư (nay tương ứng với phố Hàng Cá), xưa là bản doanh trên khúc Sông Nhị của Lý Tiến đời Hùng Vương thứ 6, người anh hùng chống giặc Ân trước cả Phù Đổng Thiên Vương. Một truyền thuyết liên quan đến Nhị Hà là hội làng Lệ Mật, cho đến hôm nay, hội vẫn được làng tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao đức thành hoàng, người đã chém Giảo long (quái vật mình rồng) cứu công chúa nhà Lý khi nàng du ngoạn tại ngã ba Sông Hồng và Thiên Đức (nay là Sông Đuống).
Sau khi chàng trai họ Hoàng chém Giảo long cứu được công chúa, vua ban thưởng vàng bạc châu báu nhưng chàng không nhận mà xin vua cấp đất ở phía Tây kinh thành để dân Lệ Mật lập trại. Từ đó, Lệ Mật trở thành một trong thập tam trại của Thăng Long. Màn múa chém Giảo long trong lễ hội thể hiện cho sức mạnh và ý chí chinh phục thiên nhiên, bài trừ cái xấu, là cuộc chiến giữa thiện và ác… Cùng với truyền thuyết, dọc sông có rất nhiều công trình tâm linh mà nay không còn hoặc buộc phải di chuyển vào trong đê, ví dụ như đền Bà Móc, đền thờ Hai Bà Trưng…
Từ vô thức dân gian, người Việt xưa đã xây dựng nên truyền thuyết và truyền thuyết chính là chỗ dựa tinh thần, là triết lý nhân sinh cho dân tộc Việt. Trong một công trình nghiên cứu, giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: Truyền thuyết ở Hà Nội nói chung và trên Sông Nhị nói riêng đã sinh ra "Tâm thức Hà Nội". Tuy nhiên câu hỏi vì sao Nhị Hà sinh ra nhiều truyền thuyết hơn tất cả các khúc sông khác đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, đang chờ các nhà nghiên cứu dân gian giải mã.
"Núi Nùng, Sông Nhị chốn này làm ghi"
Khi Lý Công Uẩn dời Hoa Lư ra lập đô Thăng Long, để có mặt bằng xây thành, Vua đã cho dời làng An Xá ở phía Nam Hồ Tây ra bãi Sông Nhị lập làng mới có tên là Cơ Xá (từ Chèm kéo xuống bến Phà Đen ngày nay). Dân Cơ Xá sống ngoài bãi, trồng rau mầu và đánh bắt cá trên sông. Cơ Xá có cậu bé Ngô Tuấn dĩnh ngộ, ngày ngày theo cha mẹ bắt cá và lớn lên trở thành người anh hùng Lý Thường Kiệt nổi tiếng với trận đánh quân Tống trên sông Như Nguyệt (Sông Cầu).
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, rất nhiều trận chiến đã diễn ra trên các con sông như: Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, và cũng trên con sông này, Trần Hưng Đạo đã cho đóng cọc nhọn, tận dụng thủy triều đánh cho quân Nguyên Mông tan tác. Còn trên dòng Nhị Hà, tại bến Đông Bộ Đầu cũng có hai chiến thắng quan trọng, góp phần vào giải phóng thành Thăng Long. Chùa Hòe Nhai và phố Hàng Than hiện nay chính là địa danh Đông Bộ Đầu xưa, nơi diễn ra trận thắng quân Nguyên Mông năm 1258 ở ngay cửa ngõ thành Thăng Long. Ngày 21-1 năm đó, quân Trần nghi binh rút khỏi thành về Thiên Mạc. Quân Nguyên Mông nghênh ngang vào chiếm thành. Ngày 29-1, Vua Thái Tông cùng Thái tử Hoảng dẫn quân ngược dòng Sông Nhị tiến đánh Đông Bộ Đầu, sau đó bao vây thành, trước sức mạnh của binh sĩ Nhà Trần, quân Nguyên Mông buộc phải rút chạy. Dấu tích con đường từ bến vào thành nay tương ứng với khu vực phố Hòe Nhai sở dĩ có tên này vì hai bên đường trồng hoa hòe.
Trong cuộc chiến tranh chống giặc Minh giải phóng dân tộc, sau các chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Lê Lợi thống suất đại quân từ Thanh Hóa tiến ra Bắc, tổ chức vây hãm thành Đông Quan. Ông sai Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị "thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu", tấn công vào mặt đông thành. Đầu năm 1427, Lê Lợi cho quân tiến qua sông Nhị Hà, đóng dinh ở Bồ Đề. Lê Lợi đã tận dụng triệt để sông Nhị Hà, ông cho khua chiêng gõ trống trên sông, âm thanh ấy được gió Đông cuốn vào trong thành làm giặc Minh đã hoang mang lại càng hoang mang hơn.
Năm 1946, trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Bác Hồ quyết định ứng cử tại khu vực bãi Phúc Xá. Ngay mé Sông Nhị đã diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri mà cử tri đa phần là vạn chài và phu phen, buổi tiếp xúc đó lập tức trở thành cuộc mít tinh lớn ủng hộ người của Việt Minh tranh cử. Cũng chính bãi sông này, sau 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu chống quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, đi qua Phúc Xá để từ đây vượt Sông Nhị lên chiến khu.
Chả phải vô cớ mà ca dao Hà Nội có câu:
Trời cao, biển rộng, đất dầy
Núi Nùng, Sông Nhị chốn này làm ghi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.