(HNM) - Việc xây dựng nhãn hiệu cho hàng nông nghiệp là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, công tác quản lý cần được quan tâm, siết chặt, tránh tình trạng hàng
Vẫn chỉ là đăng ký
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, việc triển khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Thủ đô. Không đơn thuần chỉ là cái nhãn hiệu được gắn vào sản phẩm, việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chính là "giấy thông hành" cho sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, khẳng định được vị thế trên thị trường, giúp nông dân làm giàu và hướng tới xuất khẩu.
Thu hoạch cam Canh tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, việc liên kết, đưa các sản phẩm chăn nuôi vào chuỗi để xây dựng thương hiệu vẫn còn khó khăn do Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cho nông dân trong quá trình triển khai xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Khi người dân xây dựng được thương hiệu thì lại khó khăn ở đầu ra của sản phẩm, Nhà nước chưa hỗ trợ nhiều trong khâu tiêu thụ sản phẩm mà hầu hết là các hộ dân vẫn tự tiêu thụ. Chẳng hạn, sản phẩm trứng gà Tiên Viên (Chương Mỹ) đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, được tiêu thụ thông qua hệ thống 98 cửa hàng của công ty, trung bình 70.000 quả/ngày. Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết, mặc dù trứng bán được với số lượng khá lớn, song mới chỉ chiếm 60-70% sản phẩm trứng sản xuất ra. Ngoài ra, công ty mới chỉ đặt được cửa hàng ở các huyện và các quận ven đô, việc thuê gian hàng ở các quận nội thành chi phí rất cao, thu không đủ bù chi.
Cùng chung cảnh ngộ với trứng gà Tiên Viên, cam Canh Kim An (xã Kim An, huyện Thanh Oai) được xây dựng thương hiệu vào cuối năm 2013, song việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn khó khăn. Chủ nhiệm HTX Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, dù đã có nhãn hiệu riêng, nhưng địa phương chưa định hướng được chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cũng chưa có hướng dẫn để người dân phân biệt cam Canh Kim An với cam Canh các vùng khác ở Hà Nội. Nông dân Kim An hiện vẫn tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Việc xây dựng chuỗi cửa hàng tại Thủ đô nhằm giới thiệu sản phẩm là rất khó với HTX, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nông dân vẫn quen kinh doanh theo thời vụ, được đâu bán đấy.
Cần siết chặt quản lý
Muốn xây dựng và bảo vệ, giữ vững nhãn hiệu, thương hiệu, Hà Nội cần quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, bảo tồn những giống cây trồng, vật nuôi có tính đặc sản. Theo ông Phạm Sỹ Cường, Trưởng phòng Sở Hữu trí tuệ (Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội), ngành nông nghiệp Thủ đô cần có chiến lược và hoạch định rõ ràng những mặt hàng chủ lực để đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Và vấn đề "hậu" đăng ký cũng rất quan trọng, nghĩa là phải bảo vệ được nhãn hiệu đã có.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm sau khi có thương hiệu, giá bán thường tăng thêm 15-20%, thị trường rộng mở thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu sẽ chặt chẽ hơn, thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng thương hiệu theo pháp luật vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu, khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ, làm mất giá trị sản phẩm. Để việc xây dựng và duy trì được thương hiệu, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ trong thời gian đầu, khi có thương hiệu như thuê gian hàng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những cơ sở làm nhái thương hiệu, có chế tài phạt thật nặng để họ không tái phạm.
Ông Lê Duy Tiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, Hà Nội cần phân biệt rõ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và các doanh nghiệp, tổ chức hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và việc duy trì, phát triển thương hiệu đó. Để tránh nguy cơ thương hiệu nông nghiệp bị mất hoặc bị xâm hại, các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh cùng loại nông sản phải có ý thức, chủ động xác định các thị trường truyền thống và tiềm năng của mình để cùng nhau tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội có thể hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục; các doanh nghiệp, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp có thể cung cấp dịch vụ tiến hành các thủ tục cần thiết để nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó được đăng ký bảo hộ trong, ngoài nước…
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ xây dựng nhãn hiệu cho gạo chất lượng cao T10 tại HTX Đại Thắng, huyện Phú Xuyên; gạo nếp cái hoa vàng của HTX Liên Hà, huyện Đông Anh; hoa ly ly tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng. Đối với chăn nuôi, Trung tâm Phát triển chăn nuôi đang tư vấn, hỗ trợ đăng ký 8 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của Thủ đô: Gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; vịt Vân Đình (Ứng Hòa); trứng vịt Liên Châu (Thanh Oai); vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên); gà mía Sơn Tây; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (Sóc Sơn); thịt bò Hà Nội… Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai đăng ký và phát triển nhãn hiệu, ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các địa phương có nông sản, đặc sản nổi tiếng nhanh chóng làm kế hoạch xây dựng nhãn hiệu. Với những sản phẩm đã có thương hiệu, được công nhận về mặt pháp lý, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá trên thị trường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.