(HNM) - Trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, một số địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã tiên phong xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố (gọi tắt là NVH cơ sở) theo hướng xã hội hóa.
Chia sẻ khó khăn
Dẫn chúng tôi qua những con đường ngoằn ngoèo, sỏi đá dưới chân núi Ba Vì, cán bộ UBND xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Thanh chỉ vào công trình NVH thôn Sui Quán còn đượm mùi sơn với tâm trạng phấn chấn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, NVH thôn Sui Quán xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ngoài thôn Sui Quán, nhân dân thôn Khánh Chúc Bãi, Thôn Ninh, thôn Hương Canh, Bắc Còn Chèm và Gò Đình Muôn vui mừng trước công trình NVH thôn đang được xây dựng sau nhiều năm mong đợi. 6 công trình NVH mới xây dựng ở 6 thôn trên địa bàn xã Khánh Thượng (mỗi công trình gần 2 tỷ đồng) đều do chính quyền và nhân dân các quận nội thành hỗ trợ. Nhờ sự hỗ trợ của các quận nội thành, các xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì sẽ có 40 công trình NVH thôn đi vào hoạt động trong tương lai gần. Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu cho biết, khu vực miền núi huyện Ba Vì có hàng vạn đồng bào dân tộc Mường, Dao sinh sống. Người Mường có sinh hoạt cồng chiêng, hát đối, hát ví...; người Dao có lễ cấp sắc, Tết nhảy, múa chuông, múa rùa, tri thức làm thuốc nam… Những di sản này cần có không gian, địa điểm sinh hoạt, cần người hướng dẫn, truyền dạy mới có thể tồn tại, phát triển, song hiện tại đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn. Ngân sách địa phương hạn hẹp, không thể cùng lúc đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng NVH cơ sở. “Do đó, việc nhân dân nội thành hỗ trợ kinh phí cho nhân dân vùng núi xây dựng NVH không chỉ là hành động chia sẻ khó khăn, thắt chặt tình đoàn kết, giảm khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa khu vực nội thành và ngoại thành, mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số bảo tồn bản sắc văn hóa, góp phần tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Thủ đô” - ông Đặng Tiến Hữu cho biết thêm.
Cùng với huyện Ba Vì, một số xã khó khăn thuộc huyện Quốc Oai, Thạch Thất cũng được các quận nội thành hỗ trợ xây dựng NVH thôn cho nhân dân sinh hoạt, hội họp, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.
Xây dựng quy chế quản lý, vận hành
Không thụ động chờ hỗ trợ hay hướng dẫn, huyện Đan Phượng là một trong những địa phương đầu tiên ở Hà Nội xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố giai đoạn 2016-2020”. Điểm nổi bật của đề án là huyện Đan Phượng khuyến khích các xã có kinh phí, chủ động xây dựng mới NVH, không nhất thiết phải thực hiện theo kế hoạch chung. Đối với hệ thống NVH đã có, huyện Đan Phượng yêu cầu các địa phương hoàn thiện trang thiết bị, tăng cường hoạt động văn hóa, thể thao. Đáng nói hơn, ban chủ nhiệm NVH cơ sở gồm những người có uy tín, chuyên môn được thiết lập, mỗi ban chủ nhiệm có 3-5 người, tùy vào quy mô NVH và số dân. Chủ nhiệm NVH được huyện hỗ trợ 4-5 triệu đồng/người/năm.
Theo hướng này, Ban chủ nhiệm NVH Thôn Hạ, xã Liên Trung đã đưa NVH Thôn Hạ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa sống động từ sáng sớm đến tối khuya tất cả các ngày trong tuần, tương tự như mô hình hoạt động của NVH cấp huyện. Ban ngày, người dân có thể đến NVH để bơi lội, chơi bóng đá, bóng chuyền; buổi tối có thể đến sinh hoạt văn nghệ, tập thể dục thẩm mỹ hoặc hội họp. Tất cả các hoạt động được sắp xếp bài bản, có người hướng dẫn, trông coi. Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, Chủ nhiệm NVH Thôn Hạ Hoàng Danh Cải cho biết, sau khi được bàn giao công trình vào năm 2015, các hội, ban, ngành, đoàn thể Thôn Hạ đứng ra huy động nguồn lực trong dân để hoàn thiện cơ sở vật chất. Mỗi người một ít, dần dần “nội thất” NVH hoàn thiện như hiện nay với đầy đủ bục, bệ, tượng Bác, ti vi, loa đài, hơn 200 ghế ngồi đồng bộ, dàn trống hội… Để có kinh phí tổ chức hoạt động thường xuyên, Ban chủ nhiệm NVH tạo điều kiện cho một số đơn vị thuê hội trường vào khoảng thời gian trống trong ngày dạy thể dục thẩm mỹ và khiêu vũ thể thao. Bất kỳ lúc nào địa phương có việc, NVH được ưu tiên sử dụng phục vụ công việc chung. Một phần không gian ngoài trời NVH Thôn Hạ là bể bơi di động rộng 84m2 phục vụ các cháu thiếu niên, nhi đồng tập bơi trong dịp hè. Ngoài Thôn Hạ, 100% NVH trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thực hiện đề án nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NVH và thu được kết quả khả quan. Phó phòng VH-TT huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Hộ cho hay, từ năm 2015 trở về trước, hệ thống NVH ở Đan Phượng cũng vướng phải nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu như nhiều địa phương khác. Việc triển khai đề án từ đầu năm 2016 đến nay, làm thay đổi nhận thức của các cấp quản lý và nhân dân về NVH cơ sở. Sự thiếu hụt về nhân lực có trình độ chuyên môn quản lý NVH bước đầu được khắc phục. Tình trạng NVH cửa đóng, then cài chấm dứt hoàn toàn, nhiều NVH đang hoạt động hết công suất.
Tương tự như huyện Đan Phượng, huyện Đông Anh, Thanh Trì, quận Long Biên… cũng đã xây dựng quy chế hoạt động cho NVH cơ sở và hiệu quả đã được khẳng định trong thực tế. Những năm gần đây, các địa phương kể trên là điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển khai Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, Sở VH-TT Hà Nội đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống NVH cơ sở để xây dựng quy chế quản lý theo hướng tạo điều kiện cho các NVH hoạt động tự chủ, khuyến khích nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa. Từ đó có thể khẳng định, xã hội hóa các hoạt động của NVH cơ sở là con đường đúng đắn, tất yếu khách quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.