Hà Nội vẫn còn 34 thôn chưa có nhà văn hóa và hàng trăm thôn khác có nhà văn hóa, song thực chất mới chỉ là nhà hội họp, bởi nhỏ bé, thiếu bàn ghế, trang thiết bị… Nhiều nhà văn hóa được xây dựng từ lâu hoặc tiếp nhận lại từ những trụ sở cũ, nay đã xuống cấp, vôi tường bong tróc, trần nhà thấm dột, rêu mốc... Thiếu nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa không đạt chuẩn, khiến việc hội họp của cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể ở thôn gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng khiến người dân bị thiệt thòi, bởi không có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) nhỏ bé, khiêm tốn nhìn ra phía hồ nước lớn của làng. Ông Lê Văn Tự, Trưởng thôn Nam Võng Ngoại mở cánh cửa cọt kẹt bước vào nhà văn hóa, với tay bật hết công suất chiếc quạt, nhưng cũng không vơi đi cái nóng hầm hập của ngày hè. Đã 15 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo thôn, ông Tự cười xòa: "Nhà văn hóa này chúng tôi tiếp nhận lại từ cơ sở cũ của trường mầm non. Công trình được đầu tư xây dựng đến nay khoảng 30 năm, nên việc xuống cấp là không tránh khỏi". Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt vỡ, thấm dột, mốc meo.
Chỉ tay vào dãy bàn gỗ cũ kỹ, ông Tự nói: "Những chiếc bàn này vốn là bàn học cũ của Trường Trung học cơ sở Võng Xuyên. Cái thì ọp ẹp, cái thì thủng lỗ to tướng trên mặt, phải “gia cố” lại cho vững. Nhà văn hóa cũng có 50 chiếc ghế gỗ được huyện cấp từ năm 2012, khi làng đón nhận danh hiệu văn hóa. Bộ âm ly trước đây được sử dụng ở đình làng, sau đó làng không dùng nữa được mang về đây”. Đó là những thứ giá trị nhất trong nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại.
Nói về thiết chế văn hóa thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ Lê Nam Hưng không khỏi ưu tư: Xã có 12 thôn thì chỉ 6 thôn có nhà văn hóa; 2 thôn khác đang được đầu tư xây dựng, khối lượng thi công đạt khoảng 90%; còn 4 thôn chưa có nhà văn hóa: Nam Võng Ngoại, Bảo Lộc 3, Bảo Lộc 4 và Bảo Lộc 5. Các thôn này hiện có nơi sinh hoạt, nhưng chỉ có thể gọi là nhà hội họp, bởi ngoài cái nhà nhỏ sức chứa dăm chục chỗ ngồi thì không có gì hơn.
Không chỉ riêng Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), tình trạng nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đã lâu, lụp xụp, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao hay đọc sách của nhân dân khá phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là ở các huyện thuần nông, xa trung tâm.
Bấm tay nhẩm tính, Trưởng thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) Phan Ngọc Quyết chia sẻ, Nhà văn hóa Lũng Vị được xây dựng từ năm 1994, đến nay vừa tròn 30 năm. Nhà văn hóa rộng chừng 90m2 trên khuôn viên vỏn vẹn 190m2. Phần lớn diện tích nhà văn hóa được sử dụng làm hội trường với sức chứa khoảng 40 người và 1 phòng nhỏ để loa đài cùng các vật dụng cần thiết. Nhà văn hóa thôn Lũng Vị cũng bị bong tróc nhiều mảng tường vôi, trần nhà nứt vỡ và rêu mốc. "Những hôm trời mưa nước nhỏ giọt khắp nhà, không ngồi được. Nhà văn hóa thôn cũng không có khu vệ sinh, nên ai có nhu cầu thì đi... về nhà”, anh Quyết cho biết.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chương Mỹ Đặng Thị Nam cho biết, toàn huyện Chương Mỹ có 207 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nhưng chỉ có 55 nhà văn hóa đạt chuẩn, 58 nhà văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, 14 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích, 67 nhà văn hóa thuộc diện nhỏ hẹp, xuống cấp và 13 nhà văn hóa đang sinh hoạt ở đình làng, nhà trẻ cũ và nhờ nhà dân. Gọi là nhà văn hóa, song thực chất nhiều nơi chỉ đáp ứng tiêu chí của nhà hội họp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đều không thể thực hiện được. Đó cũng là thực trạng đang diễn ra ở nhiều thôn, làng ở khu vực ngoại thành Hà Nội.
Thôn Nam Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) có gần 470 hộ dân, nhưng nhà văn hóa quá nhỏ, khuôn viên chật chội, nên mỗi khi thôn có sự kiện lớn, như: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đại hội chi bộ thôn và các hội, đoàn thể... đều phải bắc rạp, kê ghế ngồi ngoài sân.
"Các thôn khác có nhà văn hóa, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc dịp tháng 11 hằng năm thường tổ chức ăn cơm đoàn kết rất vui vẻ, đầm ấm. Cách đây mấy năm, thôn tôi cũng tổ chức ăn cơm đoàn kết ở sân đình, song một số ý kiến cho rằng, sân đình không thể ăn uống ồn ã được, từ đó thôn không tổ chức nữa. Việc ăn cơm đoàn kết do các xóm tự tổ chức ở quy mô nhỏ", ông Lê Văn Tự giãi bày.
Chỗ họp còn chưa đủ, khiến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, tiếp cận tri thức tại nhà văn hóa cũng gần như không có. Chị Lê Thị Phượng, người dân thôn Nam Võng Ngoại tiếp lời: “Chị em phụ nữ chúng tôi tập thể dục buổi tối ngoài đường. Biết là không bảo đảm an toàn giao thông, nhưng bí quá, nhiều người vẫn kệ”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn, toàn huyện hiện có 96 nhà văn hóa cũ, xuống cấp, nhỏ hẹp, chủ yếu được xây dựng từ năm 2006 đến năm 2016, quy mô từ 50 đến dưới 100 chỗ ngồi. Cũng do trước đây, các dự án đầu tư xây dựng nhà văn hóa chưa đồng bộ, nên khi bàn giao, đưa vào sử dụng thường thiếu các thiết bị sử dụng bên trong; khuôn viên nhà văn hóa thiếu các trang thiết bị tập luyện, điểm lắp dụng cụ tập thể dục, thể thao ngoài trời; điểm vui chơi dành cho trẻ em, vườn hoa chưa nhiều.
Tại thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, Trưởng thôn Phan Ngọc Quyết trầm tư: “Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi hay kỷ niệm các ngày lễ, thôn phải tổ chức ở sân bóng hoặc sân kho... Do nhà văn hóa nhỏ bé, xuống cấp, nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách cũng không diễn ra ở đây. Cách đây mấy năm, có công ty ngỏ ý tặng địa phương một số thiết bị tập thể dục ngoài trời, đặt ở sân nhà văn hóa, song không có chỗ nên lại thôi”.
Những nơi có nhà văn hóa, dù đã cũ kỹ, xuống cấp, nhưng vẫn còn may mắn hơn so với những nơi chưa có nhà văn hóa. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm, huyện còn 4 thôn chưa có nhà văn hóa, nhà hội họp, mọi sinh hoạt được tổ chức tại điểm nhà trẻ cũ, đó là thôn 7, xã Sen Phương; thôn Triệu Xuyên 2 và Triệu Xuyên 3, xã Long Xuyên; thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc. Thậm chí, ở thị trấn nhưng tổ dân phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cũng chưa có nhà văn hóa. "Tháng nào họp chi bộ, họp các hội đoàn thể, tổ dân phố cũng phải đi họp nhờ tại các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn", chị Lã Thị Minh Ngọc, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Phùng nói.
Thực trạng thiếu nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa xuống cấp nghiêm trọng không chỉ làm giảm chất lượng của sinh hoạt cộng đồng, mà còn khiến đời sống văn hóa và giải trí của người dân không đạt chất lượng như mong mỏi của nhân dân cũng như tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là một điểm trừ cho nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.