Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Vượt rào cản và thách thức

Hữu Hoài - Ngọc Quỳnh| 14/08/2018 06:39

(HNM) - Hiện nay, nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để có thể đứng vững tại thị trường quốc tế, vượt rào cản kỹ thuật và thách thức từ nước nhập khẩu, ngành Nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị...

Bộ NN&PTNT tăng cường năng lực dự báo, thông tin thị trường và định hướng sản xuất trong nước. Ảnh: Thanh Nam


Kiểm soát chặt chẽ chất lượng

Để nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam, không còn cách nào khác chính ngành Nông nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Quả vải thiều ở Bắc Giang vừa qua đã xuất ngoại sang châu Âu, Trung Đông, Nga, Thái Lan, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… là một ví dụ điển hình cho nỗ lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Bắc Giang đã tăng cường công tác quản lý, phổ biến thông tin về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và những chất cấm sử dụng để nông dân lựa chọn trong quá trình chăm sóc cây trồng; đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Riêng vải thiều, tỉnh đã có 13.500ha, sản lượng ước đạt 90 nghìn tấn, chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP; 218,5ha, sản lượng hơn 10 nghìn tấn, chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP (đạt chuẩn xuất khẩu tới các thị trường "khó tính" trên thế giới). Còn theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với đối tác là Công ty Billyan Global Resources (Malaysia) xuất 20 container vải thiều Việt Nam (mỗi container khoảng 10 tấn) sang Malaysia. Để xuất lô hàng này, Tổng công ty đã phối hợp với địa phương khảo sát, hướng dẫn nông dân thu hoạch, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Những sản phẩm nông sản đạt chuẩn về xuất xứ, chất lượng... luôn được bạn hàng đón nhận, tiêu thụ rất tốt, mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp và nông dân.

Từ thành công bước đầu của vải thiều và một số mặt hàng nông sản vừa qua, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch; khuyến khích nông dân, doanh nghiệp sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt; đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu. "Điều quan trọng là Nhà nước đứng ra làm trung gian, liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi giá trị khép kín nhằm kiểm soát chất lượng toàn bộ quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa" - ông Toản nói.

Về vấn đề này, ông Phạm Cao Thăng, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ sản xuất, vì đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Tăng cường đàm phán, dự báo thị trường


Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu và khắc phục tồn tại của sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Để đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 40 tỷ USD trong năm 2018, Bộ NN&PTNT đã tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, từ đó định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các địa phương… Cùng với đó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý trong tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với Trung Quốc, một trong những thị trường nông sản lớn của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã cử nhiều đoàn công tác sang làm việc, đàm phán tháo gỡ nút thắt xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới; đàm phán kéo dài thời gian mở cửa khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa; đồng thời mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch… Liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cũng khẳng định, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để bảo đảm giải quyết kịp thời những rào cản kỹ thuật, tranh chấp thương mại; thúc đẩy quan hệ, khâu nối xuất - nhập khẩu nông sản.

Để nông sản Việt Nam tiếp tục xuất ngoại tới nhiều thị trường, rõ ràng phải có sự vào cuộc của cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng an toàn; tổ chức xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường... Doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng bảo quản, bao bì sản phẩm... Còn nông dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất được hướng dẫn, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Có như vậy, nông sản Việt Nam mới tận dụng tối đa lợi thế trong hội nhập kinh tế, xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Liên quan đến nỗ lực để Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” với các sản phẩm thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin: Ngành Nông nghiệp đã tăng cường hợp tác song phương và đa phương với nhiều nước trong khu vực, thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thúc đẩy hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin... Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung tham mưu, sớm trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ trung ương đến địa phương; tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung và các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Vượt rào cản và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.