(HNM) - Kinh nghiệm của các đơn vị thành công trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của TP Hà Nội là làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện quyết liệt, bài bản. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của hệ thống tổ chức sau sắp xếp, đòi hỏi sớm tháo gỡ một số vấn đề…
Làm tốt công tác tuyên truyền
Thực tế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn TP Hà Nội có mức độ tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Dù các đơn vị đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, song khó có thể tránh khỏi việc một số người có tâm tư, đặc biệt đối với vị trí lãnh đạo. Tuy vậy, nhờ thực hiện có lộ trình, đặc biệt việc đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm từ việc sắp xếp các cơ quan hành chính nên quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi.
Ngành Giáo dục Hà Nội đang đứng trước nguy cơ không đạt được một số chỉ tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TƯ đặt ra. Ảnh: Thái Hiền |
Nhìn chung, việc sắp xếp, chuyển nguyên trạng nhân sự từ cơ quan cũ sang cơ quan mới không gây xáo trộn nên các viên chức, người lao động đều nhanh chóng bắt tay vào công việc. Còn việc thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố trên cơ sở sáp nhập bộ máy, con người từ nhiều cơ quan khác nhau thì vẫn cần thời gian để ổn định.
Theo Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP Hà Nội, các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, lao động - thương binh và xã hội; văn hóa và thể thao; thông tin và truyền thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn… đều phải tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý. Do đó, điều quan trọng trước tiên là thủ trưởng các đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu để quyết liệt triển khai. Tiếp đó, các đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền, công khai, dân chủ, minh bạch.
Nói về kinh nghiệm sau khi đã sắp xếp thành công 3 trong 4 nội dung được thành phố giao, ông Hà Giang Nam, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Biên chế (Sở Y tế) cho biết: “Biện pháp để tránh sự xáo trộn cũng như giảm lo lắng của cán bộ, viên chức là chủ động phổ biến, quán triệt nội dung các quyết định của thành phố và kế hoạch của Sở Y tế. Đặc biệt, việc bố trí cán bộ phải bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch”.
Cần có cơ chế tự chủ
Nghị quyết 19-NQ/TƯ “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã xác định rất rõ các mục tiêu. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 2015. Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015…
Việc sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập phải gắn với bảo đảm hoạt động hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng đặt vấn đề: “Hiện mới sắp xếp các tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, điều quan trọng là phải làm thế nào để các bộ máy sau khi được sắp xếp phải hoạt động thực sự hiệu quả”.
TP Hà Nội đã và đang chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố cũng gặp những vướng mắc nhất định.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, hiện một số bộ, ngành quản lý chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Thực tế cho thấy, các đơn vị chưa được tự quyết số viên chức làm việc, mà cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị...
Một khó khăn nữa là ngành Giáo dục TP Hà Nội đang đứng trước nguy cơ không bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TƯ đặt ra. Hiện số đơn vị và biên chế khối giáo dục phổ thông, mầm non chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80% toàn thành phố), trong khi tốc độ gia tăng dân số cao, cần thêm trường, lớp. Như vậy, việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10% biên chế không hưởng lương ngân sách, có 10% đơn vị tự chủ tài chính rất khó thực hiện được.
Với mong muốn các khó khăn sớm được tháo gỡ, TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính sớm xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Thành phố cũng đang đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét xây dựng khung pháp lý để kiểm soát khi phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% về tài chính được tự phê duyệt đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc.
Cùng với đó, thành phố kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực… Đó chính là những vấn đề các cơ quan hữu quan cần tháo gỡ để TP Hà Nội duy trì và phát huy được hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi đổi mới hệ thống tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.