(HNM) - Thông tin xử lý các HS vi phạm trong clip đánh hội đồng một bạn HS nữ tại Trà Vinh được công bố ngày 16-3 đã khép lại một sự việc đau lòng, nhưng mở ra không ít trăn trở, băn khoăn. Tại sao các em lại hành xử như vậy? Vai trò, trách nhiệm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội ở đâu?
"Ba nhà" phải đồng hành
Thực tế, sau rất nhiều những diễn đàn, những hội thảo bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, các nhà trường, từng gia đình, tổ chức xã hội đều nhìn nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục đạo đức cho HS. Thế nhưng, sự quan tâm ấy thường chỉ được tập trung vào những lúc có sự vụ, còn sau đó lại đâu vào đấy.
Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Hiếu Lê |
Thử gõ từ khóa "bạo lực học đường" trên Google, sau 0,25 giây đã xuất hiện 704 nghìn kết quả, cho thấy sức "nóng" của đề tài này. Giáo dục đạo đức đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối, mang tính cấp bách của toàn xã hội, đòi hỏi trách nhiệm không chỉ của "một nhà", mà phải có sự chung tay nghiêm túc của cả "ba nhà", gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi mắt xích đều giữ vai trò và có tác động quan trọng đến sự phát triển của mỗi HS, trong đó gia đình là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng nhân cách; nhà trường và các tổ chức xã hội góp phần tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh, làm nền tảng cho việc phát triển nhân cách.
Khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong giáo dục đạo đức, bà Lê Thị Bích Hồng (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, gia đình là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách, đạo đức cho HS, là nơi lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những truyền thống, đức tính tốt đẹp của người Việt. Thực tế cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ đời sống gia đình đối với việc hình thành nhân cách HS. Khảo sát tại một số trường phổ thông ở Hà Nội cách đây hơn một năm cho thấy, có 70 - 80% trong số HS chưa ngoan là con em của các gia đình "có vấn đề" như bố mẹ ly tán, thiếu thốn tình cảm của người thân. Với mỗi nhà trường, điều cần là khắc phục tình trạng chỉ tập trung vào việc "dạy chữ", ít quan tâm đến "dạy người", thiếu tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, tạo cơ hội cho HS được cập nhật và đưa ra cách xử lý đúng đắn trước những tình huống thực tế.
"Tư lệnh ngành" phải vào cuộc
Điều đáng nói là các vụ bạo lực học đường xảy ra vừa qua cho thấy, hầu hết HS tham gia đều được đánh giá có hạnh kiểm khá hoặc tốt. Vậy thì tại sao các em lại hành xử như vậy? Câu hỏi đặt ra là liệu có phải việc đánh giá hạnh kiểm HS tại các nhà trường đang có vấn đề hay không?
Cùng với sự chung tay của "ba nhà", tạo nên tam giác đều trong công tác giáo dục đạo đức cho HS, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong việc đánh giá đạo đức HS ở trường phổ thông hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cụ thể là phải điều chỉnh cách đánh giá HS phổ thông cho phù hợp mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất, không nên chỉ tóm gọn trong vài câu chữ. Thực tế là khi đọc học bạ của HS, không ít người dạy không rõ được sự chuyển biến của người học, không rõ được điểm mạnh, yếu để tiếp tục đào tạo hoặc phân công đảm trách nhiệm vụ phù hợp trong lớp. Bởi thế nên có chuyện giáo viên bố trí những HS học rất giỏi vào vị trí lớp trưởng, song, khi ở vị trí này, các em lại không thể phát huy được phẩm chất hoặc kỹ năng. Thậm chí, đối với một số HS, việc được trao "trọng trách" mà không có người thường xuyên đồng hành, hỗ trợ có thể khiến các em phát triển "cá tính mạnh" theo hướng trở thành "đại ca".
Còn nhớ, trong một chương trình phát sóng cách đây không lâu của VTV1, thông tin kết quả khảo sát về việc đánh giá đạo đức HS đã thu nhận được nhiều ý kiến đáng quan tâm. Có gần 90% người được hỏi cho rằng việc đánh giá hạnh kiểm hiện nay trong nhà trường là không phù hợp, cần phải điều chỉnh; khoảng 53% cho rằng hạnh kiểm là thứ không thể đánh giá theo tiêu chí tốt, khá, trung bình, yếu, kém như hiện nay.
Là người từng có kinh nghiệm giáo dục HS có cá tính, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng không hẳn cứ là HS có học lực trung bình thì phải bị xếp loại hạnh kiểm trung bình hoặc yếu. "Theo tôi, một HS luôn nỗ lực để học, tham gia hoạt động tập thể, nhưng vì năng lực tiếp thu hạn chế nên mới bị xếp loại học lực trung bình, còn hạnh kiểm có thể được xếp loại khá, hoặc thậm chí là tốt. Không nên để xảy ra tình trạng xếp loại hạnh kiểm "ăn theo" học lực. Xét về mặt tâm lý, việc xếp loại thứ bậc về hạnh kiểm là điều phải cân nhắc. Mỗi con người đều có những mặt mạnh, yếu nhất định" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói. Nhận thức rõ điều này, trong việc điều chỉnh cách đánh giá mới đây đối với HS tiểu học từ tháng 10-2014, Bộ GD-ĐT đã lưu ý các nhà trường không đặt ra yêu cầu chung về mức độ kiến thức và thời hạn hoàn thành công việc của mọi HS. Trong khi đó, mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay là phân hóa ngày càng mạnh khi HS lên cấp học cao hơn.
Mục tiêu cuối cùng của việc xếp loại là để có các giải pháp hỗ trợ HS tiến bộ hơn, để giáo viên lớp sau, cấp học sau hiểu rõ quá trình phát triển của HS với những thăng trầm hoặc biến cố mà các em đã trải qua để lắng nghe, chia sẻ, chứ không chỉ là đưa ra các hình thức phạt một cách áp đặt. Đó chính là một trong những giải pháp căn bản nhằm giải quyết cơ bản tình trạng bạo lực học đường, cải thiện chất lượng giáo dục đạo đức HS một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.