(HNM) - Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, thành phố Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, các cửa hàng, chợ, siêu thị trong đô thị không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và đến năm 2025, trên địa bàn thành phố không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Với mục tiêu: “Vì Thủ đô không rác thải nhựa”, Hà Nội triển khai những giải pháp gì để tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa? Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.
- Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 không sử dụng ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Ông có thể giải thích rõ hơn về hoạt động này?
- Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh từ 5.500 đến 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, 8-10% là rác thải nhựa. Với đặc tính bền, khó phân hủy, sản phẩm nhựa và túi ni lông đang là thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, hướng tới thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đồng thời thực hiện chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ đến ngày 31-12-2020 giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố cùng vào cuộc để biến mục tiêu thành những hành động cụ thể, thiết thực và xây dựng lộ trình thực hiện cho những năm tiếp theo.
- Quá trình thực hiện mục tiêu trên, song hành với những thuận lợi, chắc hẳn thành phố sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực cao để vượt qua?
- Đúng vậy. Thuận lợi là được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện nên công tác phối hợp triển khai của các cấp, các ngành sẽ đạt hiệu quả hơn. Tuy vậy, để đạt mục tiêu trên, khó khăn với Hà Nội còn không ít. Ví như, việc thu hút các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ mất khá nhiều thời gian. Mặt khác, giá thành sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa và ni lông thường cao hơn; trong khi một bộ phận nhân dân còn tâm lý quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần do tính tiện lợi và giá thành thấp…
- Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp gì, đồng thời có nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ gì cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng các cơ sở sản xuất túi ni lông, bao bì nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần và định hướng các đơn vị này sản xuất các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đồng thời đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế phế liệu nhựa; xây dựng lộ trình vận động doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường...
Thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực về công nghệ và thị trường cho các đơn vị sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm túi, bao gói thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải này trở thành các sản phẩm hữu ích; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn...
Hà Nội cũng đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng Chính phủ, UBND thành phố và toàn xã hội trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, quốc tế và kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài trong chống rác thải nhựa.
Mới đây, Hà Nội cũng đã tổ chức lễ ký Bản cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, phân phối nhằm đạt mục tiêu đến 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Với nhiều giải pháp nêu trên, theo ông, thành phố Hà Nội có hoàn thành sứ mệnh tiên phong thực hiện mục tiêu đến năm 2025, không dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần?
- Bằng cách làm bài bản, căn cơ, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, theo tôi mục tiêu trên có thể đạt được. Hà Nội quyết tâm dẫn đầu cả nước trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; dự kiến đến năm 2025, Hà Nội cùng với cả nước sẽ thực hiện thành công mục tiêu không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.